Trong gần 8.000 thí sinh thi đánh giá tư duy, Minh Dũng ở Thanh Hóa là một trong 4 người đạt trên 90/100 điểm, cũng là thủ khoa kỳ thi đợt hai của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Nguyễn Minh Dũng là học sinh lớp 12A1, trường THPT Ba Đình, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Trong đợt thi Đánh giá tư duy thứ hai với hơn 5.000 thí sinh vào ngày 20/1, nam sinh đứng đầu với 91,55 điểm.
Trong đó, điểm môn Toán của Dũng đạt gần tuyệt đối – 39,24/40, Đọc hiểu 16,69/20 và Khoa học và giải quyết vấn đề 34,66/40. Tính cả hai lần thi của Bách khoa, Dũng là một trong bốn học sinh đạt trên 90/100 điểm bài thi này.
Dù làm bài tốt và biết có khả năng đạt điểm cao, nam sinh vẫn bất ngờ khi biết điểm thi, hôm 29/1. “Em không biết cảm xúc như thế nào. Rất nhiều người nhắn tin chúc mừng em”, Dũng nói, cho biết ý định ban đầu là giảm áp lực ôn thi tốt nghiệp THPT.
Cô Nguyễn Thị Hà, chủ nhiệm của Dũng tại trường THPT Ba Đình, phụ trách môn Hóa, nhận xét nam sinh có khả năng tập trung tuyệt vời.
“Thời gian học của Dũng không nhiều, nhưng em có thể tiếp thu bài giảng một cách nhanh chóng, tư duy sáng tạo, nghĩ ra cách giải nhanh và mới mẻ”, cô nói, cho biết Dũng trước đó đã đạt giải nhất môn Hóa học và nhì môn Toán trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh. Ngoài ra, điểm trung bình các môn của Dũng đều cao và điểm thi thử khối A luôn đứng đầu trường.
Minh Dũng nói làm bài tốt nhờ quá trình ôn tập cho kỳ thi học sinh giỏi tỉnh hồi đầu năm học. Nam sinh học theo chương trình vào buổi sáng, ôn thi cấp tỉnh hai môn vào buổi chiều và tự học thêm đến khuya. Do đó, Dũng có nền tảng kiến thức khá vững.
Dũng đánh giá phần thi Toán của bài thi Đánh giá tư duy không quá khó, trải đều kiến thức hai lớp 11 và 12, nhưng dài và dễ gây nhầm lẫn. Dũng mạnh phần Hình học, nên cảm thấy tiếc nuối vì chưa thể hoàn thành một câu hình không gian.
“Trong phòng thi, em bị áp lực về thời gian. Khi giải không ra, em đã phải bỏ qua để ghi điểm các câu khác”, Dũng nói.
Đối với phần Đại số, nam sinh thấy khó ở phần tích phân. Các câu hỏi về kiến thức này thường yêu cầu biến đổi dài. Dũng cho rằng cách ôn tập hiệu quả là làm các đề thi cũ, đề tham khảo hay đề thi thử môn Toán tốt nghiệp THPT của các trường vì cấu trúc câu hỏi bài thi tư duy không quá khác biệt, chỉ có một số câu ít có nội dung mới. Ngoài ra, nam sinh cũng thường xem các bài giảng trên mạng và học hỏi các cách giải hiệu quả.
Với phần Đọc hiểu, Dũng không ôn quá nhiều.
“Câu hỏi gây phân vân và mất nhiều thời gian nhất là tìm chủ đề của bài đọc. Điểm thi phần này của em cũng chỉ ở mức trung bình như bao bạn khác”, nam sinh nhận xét, cho hay đây không phải thế mạnh của mình. Trước khi thi, Dũng đọc các bài báo chủ đề khoa học, dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt, và giải các đề được chia sẻ miễn phí trên mạng xã hội.
Trong phần thi Khoa học và giải quyết vấn đề gồm ba môn tự nhiên, Dũng cho hay câu hỏi được phân bổ đều về lý thuyết và áp dụng thực tiễn, bao phủ gần như toàn bộ kiến thức sách giáo khoa. Do có kinh nghiệm ôn thi Hóa ở đội tuyển, Dũng không gặp khó khăn, chủ yếu dồn thời gian để giải bài tập Vật lý và Sinh học trong các đề thi tốt nghiệp, tài liệu thầy cô cung cấp.
“Em mất điểm rất nhiều khi làm các câu hỏi Sinh học. Còn môn Vật lý có những câu hỏi rất hay về sóng dừng hay máy ấp trứng, nhưng phải đọc đề cẩn thận vì dễ bị lừa”, nam sinh nói.
Trong quá trình ôn tập cho cả hai kỳ thi, Dũng thường giải trí bằng cách xem Tiktok và đạp xe khoảng 12 km mỗi ngày. Trước ngày thi đánh giá tư duy khoảng hai tuần, em bắt đầu giảm dần cường độ ôn tập, chủ yếu đọc lại sách giáo khoa và giữ đầu óc thoải mái.
Nam sinh dự định sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy để xét tuyển ngành Công nghệ thông tin, nhưng chưa chọn trường.
“Em nghĩ cần thời gian để tìm hiểu thêm, trước mắt em tập trung để thi tốt nghiệp cho tốt”, Dũng nói.
Doãn Hùng