Sắc xuân miền biên viễn từ xưa tới nay đều được khắc họa bởi những điều bình dị, dân dã “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Ở các bản làng vùng cao người Tày, sắc màu cây nêu ngày Tết được coi là linh vật giữ nhà, giữ bản, là điểm tựa tinh thần, nơi gửi gắm mong ước một năm an khang, thịnh vượng của bà con.
Theo quan niệm của người xưa, cây nêu được cho là biểu tượng thiêng liêng vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Mỗi năm Tết đến, cây nêu được dựng lên trong không khí hân hoan, phấn khởi của bà con, báo hiệu một năm mới an lành đang đến với bản làng vùng cao. Mỗi ngôi nhà dựng 2 cây nêu xanh thẳng tắp, tô điểm lá cờ Tổ quốc bay phấp phới, sắc xuân tràn ngập khắp đường làng ngõ xóm. Những vùng đất được dựng cây nêu sẽ mang đến bình yên để bà con vui vẻ đón Tết. Ngoài ra, cây nêu còn được coi là biểu tượng của vũ trụ, nối liền đất với trời, ngọn nêu vươn lên đón mùa xuân, đón ánh mặt trời (dương khí), và cũng để biểu hiện thế áp đảo với quỷ, biểu tượng của âm khí.
Cứ đến ngày 30 tháng Chạp, sắc màu cây nêu lại phủ khắp những bản làng miền biên viễn. Vào ngày này, mỗi gia đình sẽ cử một thành viên khỏe mạnh nhất lên rừng tìm những cây vầu đẹp nhất mang về làm cây nêu dựng trước cửa nhà. Để chọn được cây nêu ưng ý cũng không phải chuyện dễ dàng, một cây nêu tốt sẽ giúp cho gia đình một năm may mắn, thuận lợi. Vì vậy, phải quan sát kỹ trước khi chặt cây nêu, thân cây phải thẳng, không bị sâu hoặc xước, ngọn cây nhiều lá và có màu xanh tươi, thanh tú. Với kinh nghiệm nhiều năm, ông Mông Văn Hữu, xóm Bằng Ca, xã Lý Quốc (Hạ Lang) chia sẻ: Câu nêu là linh vật ngày Tết của chúng tôi, một cây nêu tốt sẽ giúp gia đình tôi làm ăn thuận lợi, bình an. Vì vậy, ngay từ tháng 4 tôi đã thường xuyên xem xét, lựa chọn, tìm ra một số cây ưng ý đánh dấu sẵn. Đến hôm 30 tháng Chạp, tôi sẽ chọn cây tốt nhất mang về làm cây nêu dựng trước cửa nhà.
Sau khi chọn được cây nêu ưng ý mang về nhà, gia chủ chưa dựng luôn mà chuẩn bị các thủ tục trước khi dựng cây nêu. Các thành viên khác trong nhà tất bật chuẩn bị mâm cơm cúng thông báo cho tổ tiên về việc chuẩn bị đón Tết đến. Mâm cúng gồm thịt gà, thịt lợn luộc, bánh chưng, nem, phồng tôm, rượu, bánh khảo, khẩu sli... được bày làm 2 mâm, 1 mâm cúng bàn thờ, 1 mâm lần lượt cúng ở bếp, phòng ngủ, dưới chuồng gia súc và ngoài sân. Sau khi cúng xong gia chủ mới bắt đầu dựng cây nêu, tùy từng vùng miền mà có nơi sẽ dựng 1 hoặc 2 cây nêu. Người Tày, Nùng ở huyện Trùng Khánh, Hạ Lang và một số vùng quê các huyện miền Đông chọn cây nêu tốt nhất dựng trước cửa nhà, ở khoảng đất trống, thoáng đãng, tránh khuất bóng cây cối hay gần tường nhà. Cây nêu cao to, uy dũng để chặn ma quỷ xâm nhập, buộc thêm một cây vầu non ngay ngắn, thẳng đứng xanh mướt như cây mẹ con, thể hiện sự kế thừa, tiếp nối và ước mong sẽ có một khởi đầu năm mới bình an, hạnh phúc. Ở khoảng trống giữa 2 cây nêu, bà con thường treo cờ Tổ quốc, sắc đỏ lá cờ tung bay trên nền xanh tươi của màu lá cây nêu tạo nên cảnh sắc nông thôn ngày Tết thật tươi đẹp, yên bình.
Việc cắm cây nêu không phải trong gia đình ai cũng tham gia mà phải chọn người đàn ông chủ nhà gương mẫu, có uy tín để thực hiện. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào hoàn cảnh từng gia đình mà cử người tốt tính, tốt nết để làm việc này. Trước khi dựng cây nêu, gia chủ lấy một cây vầu nhỏ làm chổi quét đuổi tà ma, xua tan ám khí trong nhà. Chủ nhà cầm cây quét nhà, hơ khắp nơi từ trong ra ngoài cửa, vừa đi vừa lẩm nhẩm: “Quét ăn rại pây quây, ăn đây mà xẩư” (dịch nghĩa: quét cái xấu đi xa, cái tốt về gần). Xong hết việc mới dựng cây nêu, khi dựng xong sẽ thắp một nén hương loại trừ ma quỷ, để giữ đất, giữ nhà. Sau khi mọi công việc đã xong, cả gia đình quây quần bên mâm cơm tất niên đầm ấm, cùng đánh giá lại một năm qua, rút kinh nghiệm những việc chưa làm tốt, cùng nhau phấn đấu trong năm mới.
Cây nêu được dựng trong những ngày Tết, bảo vệ bản làng yên tâm vui chơi, không bị quấy phá. Cây nêu được dỡ khi hội lồng tồng kết thúc, mọi người trở về nhà, đem đồ cúng từ hội lên bàn thờ thắp hương, làm mâm cúng ở bếp, trước cửa nhà, chuồng gia súc, gia cầm. Sau khi thông báo với tổ tiên hết Tết, mới dỡ cây nêu, thắp hương, đốt tiền giấy. Khi hoàn tất mọi thủ tục, gia chủ đem bình đựng các cây lộc ở bàn thờ, ném những cành cây lên mái nhà trước rồi hắt nước lên mái nhà với mong muốn năm mới sẽ mưa thuận, gió hòa để người dân yên tâm sản xuất nông nghiệp. Cây nêu sau khi được dỡ, gia chủ tận dụng thân cây nêu để làm sào phơi quần áo, ngọn để làm chổi quét chuồng gà, ngoài sân với ý nghĩa quét những điều xui rủi, không may ra khỏi nhà để chào đón những điều tốt đẹp, an lành.
Biết bao mùa Tết đi qua, cây nêu chứng kiến từng khoảnh khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây; chứng kiến gắn kết gia đình, những đoàn tụ ấm êm, tiếp nối những giá trị tốt đẹp. Hình ảnh những cây nêu cùng cờ Tổ quốc tung bay trong gió hòa cùng với sắc màu đỏ thắm của hoa đào, màu vàng may mắn của cây quất tạo nên một cảnh sắc rực rỡ, vui tươi trong khoảnh khắc tết đến xuân về. Cây nêu thật đẹp ngay trước cổng nhà trang hoàng, rực rỡ là nét văn hóa truyền thống cần lưu giữ, để thế hệ con cháu sau này hiểu thêm về ý nghĩa ngày Tết truyền thống của Việt Nam.
Linh Nhi
Nguồn: https://baocaobang.vn/cay-neu-ngay-tet-3174930.html
コメント (0)