Hà NộiVài tháng sau khi ăn thô thuần chay với rau củ, trái cây, uống nước ép, Lan Anh, 30 tuổi, suy kiệt, được chẩn đoán mắc hội chứng “ám ảnh ăn sạch”.
Đến Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương khám đầu tháng 8, Lan Anh kể 6 tháng qua, cô chỉ ăn rau, củ, quả và uống nước ép, cắt bỏ hoàn toàn thịt, cá, trứng, sữa, tinh bột, thậm chí nước lọc. Đây được cho là chế độ ăn thô thuần chay, giúp cơ thể thải độc tố, chữa lành, phòng ngừa bệnh tật và đảo ngược lão hóa.
Ăn quen chế độ này, khi nhìn thấy thịt cá, người phụ nữ có cảm giác sợ hãi, cho rằng các thực phẩm tương tự đều ”tẩm ướp hóa chất hoặc dư chất kháng sinh”, khiến cơ thể sinh bệnh. Lan Anh hiếm khi ăn chung với gia đình, viện cớ từ chối các bữa tiệc tại công ty và gần như không ra ngoài bạn bè vì không muốn giải thích về chế độ ăn kiêng của mình.
Ba tuần sau khi áp dụng, cô sụt cân nhanh, có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt, không tập trung công việc nhưng vẫn tự nhủ “cơ thể đang thải độc để tái tạo nguồn năng lượng mới”. Cô chậm kinh nguyệt hai tháng, nghĩ “là dấu hiệu khỏe mạnh, bởi cơ thể có ít độc tố nên không cần thải ra ngoài qua chu kỳ kinh”.
Nửa năm ăn thô, cô giảm gần 20 kg, nặng 42 kg với chiều cao 1,62 mét, bị người thân và bạn bè khuyên can vì cơ thể lộ rõ sự gầy gò, suy nhược. Nhưng người phụ nữ vẫn tin tưởng đây là cách ăn uống lành mạnh, thêm tự tin từ sự cổ vũ từ cộng đồng ăn kiêng giống cô. Đến khi chán ăn, mất ngủ trầm trọng, Lan Anh được gia đình đưa vào Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương kiểm tra.
Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc, cho biết qua khám và xét nghiệp, xác định người bệnh mắc chứng “rối loạn ăn uống lành mạnh”, còn gọi orthorexia, bên cạnh vấn đề suy kiệt. Hội chứng này được bác sĩ Steven Bratman, người Mỹ, nhắc đến lần đầu vào năm 1996, chỉ nỗi ám ảnh về các loại thực phẩm lành mạnh đến mức cực đoan. Người bị orthorexia thường tập trung vào chất lượng thực phẩm, chỉ ăn những gì họ cho là tinh khiết, tốt với sức khỏe, không chứa các chất độc hại. Lâu dần, thói quen này trở thành loại rối loạn cực đoan, ám ảnh tâm lý, đôi khi nguy hiểm về thể chất.
Một trường hợp khác là Uyên, 22 tuổi, ở Nghệ An, cao 1,6 mét, gặp vấn đề với mụn trứng cá nên tìm kiếm những cách thức giảm mụn trên mạng. Ban đầu, cô loại bỏ sữa ra khỏi khẩu phần ăn, sau đó đến các đồ ăn chứa đường và chất béo, thịt đỏ. Lâu dần, Uyên trở thành người ăn chay, ăn thô 50%, sản phẩm chủ yếu là rau xanh và hoa quả.
“Tôi ám ảnh và tự cho những loại đồ ăn từ động vật như thịt cá trứng vào ‘danh sách cấm’, nếu vô tình ăn phải sẽ móc họng, nôn ra để không hại cơ thể”, Uyên nói.
Cô gái giảm 10 kg, từ 54 kg xuống 44 kg trong hai tháng, cơ thể mệt mỏi, thi thoảng choáng váng, thậm chí ngất xỉu. Gia đình đưa cô tới tư vấn tại một trung tâm dinh dưỡng, bác sĩ phát hiện mắc chứng rối loạn ăn uống, chán ăn tâm thần nhưng người phụ nữ vẫn tiếp tục chế độ ăn với niềm tin giúp thanh lọc cơ thể. Số cân hiện tại của cô là 37 kg, bị tắt kinh 6 tháng, rụng tóc, tụt huyết áp.
Theo bà Thu, hội chứng orthorexia liên quan đến vấn đề rối loạn ăn uống, điển hình như chứng rối loạn ăn uống vô độ, chán ăn tâm thần hay rối loạn hấp thu thực phẩm. Các yếu tố sinh học, thần kinh và gene di truyền cũng góp phần vào cơ chế bệnh sinh, bao gồm đặc điểm tính cách (ví dụ: người cầu toàn, thích sự chỉn chu và hoàn hảo), người làm việc trong môi trường đòi hỏi rất cao về vóc dáng và cân nặng, người gặp sang chấn tâm lý, từng bị ám ảnh cân nặng, hoặc một số rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn lo âu.
“Khi cơ thể ở trạng thái đói, bộ não không hoạt động bình thường, gây tình trạng suy giảm nhận thức”, chuyên gia nói, cho biết điều này sẽ gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội, khiến người bệnh suy giảm khả năng giao tiếp, mất dần sự tự tin. Đây còn có thể là nguồn cơn khởi phát bệnh tâm thần nguy hiểm như trầm cảm, rối loạn lo âu. Hơn thế, người bệnh cũng sẽ đối mặt với rất nhiều nguy cơ sức khỏe khi liên tục duy trì các thói quen tập luyện, ăn uống không khoa học.
“Nó có thể trở thành mối nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong”, bác sĩ Thu nói
Các chuyên gia đánh giá orthorexia là một chứng bệnh chưa rõ ràng. Dù được Hiệp hội Rối loạn Ăn uống Quốc gia Mỹ công nhận, nhưng orthorexia không nằm trong Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần, thường được các bác sĩ tâm thần sử dụng để chẩn đoán bệnh nhân. Vì vậy, rất khó để xác định mức độ phổ biến của loại rối loạn này.
Một số nghiên cứu kết luận vấn đề ảnh hưởng đến dưới 1% dân số Mỹ, trong khi nghiên cứu khác cho thấy căn bệnh phổ biến hơn ở những thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội. Orthorexia cũng thường phát triển ở sinh viên đại học, vận động viên chuyên nghiệp và những người theo chế độ thuần chay.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng bổ sung đa dạng thực phẩm là mẹo để ăn uống lành mạnh, khuyến nghị mọi người cân đối ba chất sinh năng lượng là bột đường, chất đạm, chất béo và ăn đúng bữa. Nếu phát hiện dấu hiệu tâm lý bất thường tiềm ẩn đằng sau các kiểu ăn kiêng cực đoan, cần khám bác sĩ chuyên khoa, kịp thời điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm tính mạng.
Thúy Quỳnh – Như Ngọc
*Tên nhân vật được thay đổi