Hàng trăm lính NATO tới tăng viện cho lực lượng gìn giữ hòa bình của liên minh ở Kosovo sau loạt vụ đụng độ tại miền bắc vùng ly khai.
“Lực lượng tăng viện của NATO bắt đầu tới Kosovo sau loạt vụ đụng độ tuần trước khiến khoảng 30 lính gìn giữ hòa bình bị thương. Khoảng 500 binh sĩ thuộc lữ đoàn bộ binh cơ giới số 65 của Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò nòng cốt trong lực lượng tăng viện”, phát ngôn viên NATO Oana Lungescu ngày 5/6 thông báo.
Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 30/5 cho biết liên minh sẽ triển khai thêm 700 binh sĩ tới Kosovo để củng cố lực lượng 4.000 người tại vùng ly khai Kosovo. Ông Stoltenberg tuyên bố NATO sẵn sàng điều thêm quân tới đây.
“NATO sẽ tiếp tục cảnh giác. Chúng tôi sẽ hiện diện tại đây để đảm bảo môi trường an toàn, cũng như làm dịu tình hình và giảm căng thẳng”, ông Stoltenberg nói trong cuộc họp báo tại Oslo, Na Uy.
Đụng độ giữa người biểu tình gốc Serbia với cảnh sát Kosovo và lực lượng NATO nổ ra trước tòa nhà hành chính của thị trấn Zvecan, Kosovo ngày 29/5. Các binh sĩ NATO thuộc KFOR ban đầu cố gắng tách người biểu tình khỏi cảnh sát, sau đó dùng khiên và dùi cui để giải tán đám đông.
Một số người biểu tình ném gạch đá, chai lọ và chai cháy về phía các binh sĩ NATO, song họ nhanh chóng bị đẩy lùi ra khỏi tòa nhà vài trăm mét. Đụng độ khiến hơn 30 binh sĩ NATO và hơn 50 người biểu tình bị thương.
Sau vụ đụng độ ngày 29/5 tại Zvecan, hàng trăm người gốc Serbia tiếp tục tập trung trước tòa nhà hành chính của thành phố, nơi được phong tỏa bằng hàng rào thép gai và có các binh sĩ NATO với trang bị chống bạo động túc trực xung quanh.
Người gốc Serbia tại Kosovo tẩy chay cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 4 tại miền bắc vùng ly khai, vốn cho phép quan chức gốc Albania kiểm soát các hội đồng địa phương dù tỷ lệ cử tri đi bầu chưa đến 3,5%.
Cộng đồng gốc Serbia tại vùng ly khai cũng yêu cầu rút cảnh sát đặc nhiệm Kosovo, cũng như thị trưởng gốc Albania mà họ không coi là đại diện cho sắc tộc của mình.
Kosovo với diện tích khoảng 10.800 km2, là vùng lãnh thổ ly khai nằm ở phía tây nam Serbia. Kosovo tuyên bố độc lập năm 2008, song Serbia không công nhận và tuyên bố chủ quyền với khu vực này. Kosovo có 1,8 triệu dân, chủ yếu là người Albania.
Khoảng 120.000 người Serbia sống tại miền bắc Kosovo không công nhận chính quyền ở Pristina. Họ trung thành về mặt chính trị với Serbia, nước vẫn cung cấp hỗ trợ tài chính cho cộng đồng này. Phần lớn các nước phương Tây công nhận độc lập của Kosovo, song vùng ly khai chưa được trao ghế tại Liên Hợp Quốc do Nga và Trung Quốc phản đối.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)