Vấn đề quản lý, khai thác chung được đặt ra sau khi quần thể Hạ Long- Cát Bà được công nhận di sản thế giới và Việt Nam lần đầu có “một di sản, hai địa phương”.
Ủy ban Di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) hôm 16/9 công nhận quần thể vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có di sản thiên nhiên trải dài qua hai địa phương, chưa có tiền lệ về quản lý, khai thác chung di sản. Một số doanh nghiệp phản ánh vẫn tồn tại những khúc mắc trong quản lý giữa Quảng Ninh và Hải Phòng liên quan đến vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ (Cát Bà), gây khó khăn cho tàu du lịch và du khách nhiều năm qua.
Trao đổi với VnExpress, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam nói hai địa phương đã có những hợp tác nhất định trong quản lý, khai thác du lịch ở vùng Hạ Long- Cát Bà trước khi quần thể này được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Ông Nam cho rằng đồng thuận giữa Hải Phòng và Quảng Ninh là mấu chốt để UNESCO thông qua hồ sơ công nhận quần thể Hạ Long – Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới.
“Họ đã định trả hồ sơ vì trong một số lần qua mình khảo sát chưa thấy sự phối hợp tốt giữa hai địa phương. Tuy nhiên, tôi cùng chị (Nguyễn Thị) Hạnh, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, đã đưa ra những văn bản, minh chứng hai địa phương đã liên kết với nhau từ vấn đề an ninh, du lịch, bảo vệ cảnh quan”, theo ông Nam.
Cụ thể, năm 2021 đoàn công tác của UBND TP Hải Phòng đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh về hoạt động du lịch và hồ sơ đề cử di sản thế giới. Hai bên đã có những ký kết phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, môi trường, giao thông vận tải, du lịch, xây dựng quy chế phối hợp bảo vệ môi trường biển khu vực giáp ranh giữa vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ, quần đảo Cát Bà. Vấn đề thu phí tham quan chung cũng đã được nhắc đến thời điểm đó, tuy nhiên mới là đề xuất, chưa bàn cụ thể.
PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nói ở Việt Nam chưa có tiền lệ một di sản thế giới nằm ở hai địa phương nên mô hình quản lý vẫn là dấu hỏi.
“Nếu không có một ban quản lý chung, sự cạnh tranh, xung đột giữa hai bên là điều khó tránh. Tôi đã mường tượng ra nhiều bất cập, từ việc nối dài chuyện ngăn sông cấm chợ tới cạnh tranh điểm đến”, ông nói và nhấn mạnh một quần thể di sản thế giới tồn tại hai ban quản lý là “không thể chấp nhận”.
Ông Nguyễn Thế Huệ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh, đánh giá không gian di sản đã được mở rộng là “điều rất tuyệt vời”. Tuy nhiên, điều cần làm là tạo ra sự cân bằng giữa Hạ Long và quần đảo Cát Bà.
“Vịnh Hạ Long đã là di sản từ năm 1994. Quy mô du lịch, cung cách quản lý qua nhiều giai đoạn, cách khai thác đã rất quen thuộc với nền tảng vững chắc. Phía Cát Bà thì thực sự chưa được như vậy. Chính quyền cần thống nhất cao để tránh xung đột và cạnh tranh không bình đẳng”, ông Huệ nói.
“Mất cân bằng” cũng là nguy cơ ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI), nêu ra khi được đề nghị bình luận về việc quản lý, khai thác quần thể Hạ Long- Cát Bà. Theo ông Quỳnh, hai khu vực nằm cạnh nhau, sở hữu giá trị tương đồng. Trên quan điểm của khách hàng hay các đơn vị lữ hành, giữa hai điểm đến có dịch vụ tương đồng, họ sẽ chọn nơi có chi phí rẻ hơn.
“Vấn đề này tạo ra sự mất cân bằng, công bằng trong hoạt động ở Hạ Long và Cát Bà. Tôi hy vọng rằng cả hai bên sẽ có thống nhất chung cho hoạt động ở Hạ Long và Lan Hạ (nối Cát Bà với Hạ Long)”, ông Quỳnh nói.
Theo Phó chủ tịch Hải Phòng Lê Khắc Nam, mức thu các loại phí tại Cát Bà đang thấp hơn Hạ Long. Cụ thể, phí tham quan tại vịnh Lan Hạ thuộc quần đảo Cát Bà từ 50.000 đồng đến 80.000 đồng một người lớn còn ở vịnh Hạ Long là 290.000 đồng một người. Phí ngủ đêm trên vịnh Lan Hạ từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng, tại vịnh Hạ Long là 550.000 đồng đến 750.000 đồng một người.
Với Hải Phòng, việc làm trước mắt là tiếp tục cải thiện chất lượng đội tàu, bến bãi, xây dựng lại sản phẩm du lịch tại vùng di sản. Các đội tàu ở Hải Phòng sẽ phải được xây dựng ít nhất từ ba sao trở lên, phải thiết kế vùng neo đậu cho tàu lớn vì bến Bèo và bến Gia Luận đều có hạn chế.
“Đã là vùng di sản chung thì chất lượng, chi phí cũng cần bằng nhau”, Ông Lê Khắc Nam nói.
Phó chủ tịch Hải Phòng cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, phía Hải Phòng sẽ tiếp tục bàn bạc với Quảng Ninh, “thống nhất thêm những vấn đề chung như tour tuyến tham quan, kênh tiếp nhận thông tin chung, biện pháp bảo vệ môi trường biển và đa dạng sinh học vùng lõi di sản”.
Ông Phan Đình Huê, chuyên gia phát triển điểm đến, cho rằng du khách nhìn quần đảo Cát Bà và vịnh Hạ Long như một khu du lịch biển đảo rộng lớn. Những gì du khách muốn là “đi thật nhiều, xem thật nhiều”, không quan tâm vịnh này, đảo kia thuộc địa phương nào. Ông Huê nói cần sớm có một trung tâm phát triển điểm đến cấp vùng để xây dựng thương hiệu chung, tránh trùng lặp trong phát triển sản phẩm.
PGS.TS Phạm Hồng Long mong muốn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào cuộc, thiết lập mô hình phát triển điểm đến chung cho cả Hạ Long lẫn Cát Bà, không để tình trạng mỗi bên phát triển một kiểu.
Ông Phạm Hà, Chủ tịch Hiệp hội tàu du lịch Lan Hạ cho rằng ngoài việc thống nhất và nâng cao các sản phẩm du lịch, hai địa phương cần quan tâm đến vấn đề bảo tồn. “Di sản ở Hạ Long – Cát Bà ngoài cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học còn con người và văn hóa. Những làng chài cổ cần được phát huy giá trị, được bảo tồn chứ không phải xóa bỏ, đưa hết dân lên bờ. Thậm chí nên khôi phục một đội tàu buồm đỏ để làm thương hiệu”, ông Hà đề nghị.
Cũng theo ông Hà, phương thức quản lý, khai thác du lịch cũng cần thay đổi với thời đại công nghệ. “Không cần biết tàu đón khách ở đâu mà chỉ cần xác định họ tham quan chỗ nào qua hệ thống định vị để thu phí. Bên cạnh đó, cần nhất là những tour đi thông hai địa phương, nâng cao thời gian nghỉ dưỡng trên vịnh để giữ chân du khách từ 5 đến 7 ngày”, ông Hà nói.
Lê Tân – Tú Nguyễn