Chiều 12/4, tại Hà Nội, Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam phối hợp Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội tổ chức Hội nghị “Đào tạo thực hành đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay”, thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp du lịch, cùng đại diện các cơ sở đào tạo về du lịch.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam cho biết: Việt Nam đang chứng kiến những bước chuyển mình rất lớn của ngành du lịch, với sự tăng trưởng về lượng khách và doanh thu ở cả thị trường quốc tế và nội địa. Nhưng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đang không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng.
Đến nay, cả nước ta có khoảng 195 cơ sở đào tạo du lịch, gồm: 65 trường đại học có các khoa du lịch; 55 trường cao đẳng; 71 trường trung cấp; 4 trung tâm đào tạo nghề. Ngoài ra, còn có 2 cơ sở đào tạo trực thuộc doanh nghiệp. Song, những cơ sở đào tạo này vẫn không cung cấp đủ lao động theo nhu cầu thị trường du lịch.
Mỗi năm ngành du lịch cần tới 40.000 lao động, nhưng thực tế, nguồn cung chỉ bảo đảm được khoảng 20.000 nhân lực. Trong số này, lao động có trình độ đại học và sau đại học chỉ chiếm 9,7%; sơ cấp, trung cấp, cao đẳng chiếm hơn 50%; dưới sơ cấp chiếm 39,3%, và chỉ có 43% tổng số lao động được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về du lịch. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều doanh nghiệp du lịch phải “đào tạo lại” khi tuyển dụng nhân sự để người lao động có thể thích ứng yêu cầu nghiệp vụ.
![]() |
Giáo sư, Tiến sĩ Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên Chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam phát biểu. |
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đào Mạnh Hùng, để lấp đầy khoảng trống về nguồn nhân lực chất lượng, cần quan tâm đến giải pháp đào tạo thực hành trong du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn mới. Bởi trong đào tạo nghề du lịch, chất lượng nghề nghiệp chỉ có thể đạt được khi người lao động có kỹ năng nghề cao, và để có kỹ năng lao động cao thì việc thực hành trong đào tạo là yếu tố quan trọng và quyết định. Đó cũng chính là mục đích tổ chức Hội nghị “Đào tạo thực hành đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay”.
Tại Hội nghị, trên cơ sở ghi nhận thực trạng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam, các đại biểu là đại diện các cơ sở đào tạo về du lịch đã trao đổi về những khó khăn, thách thức trong đào tạo thực hành du lịch hiện nay, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm đổi mới trong phương thức, cách thức đào tạo nhằm nâng cao hiệu quả làm việc thực tế của học viên.
Đặc biệt, Hội nghị đã giới thiệu một số mô hình, dự án cụ thể trong đào tạo thực hành du lịch như: mô hình “Hotel School” – trường trong khách sạn, giúp các học viên theo học có cơ hội tiếp cận môi trường làm việc thực tế và làm được việc ngay trong quá trình học; dự án Vườn ươm tài năng văn hóa du lịch; mô hình đào tạo thực hành dựa trên năng lực, nhấn mạnh vào khả năng áp dụng kiến thức, kỹ năng, thái độ vào thực tiễn công việc, giúp học viên được rèn luyện, đánh giá thông qua các tình huống thực tế, dự án thực tế và thực tập tại doanh nghiệp…
Nhiều giải pháp thiết thực nhằm tăng cường yếu tố thực hành trong đào tạo du lịch đã được các đại biểu đề xuất, như: đẩy mạnh liên kết giữa trường với trường, giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, có cơ chế để mời các nhân sự giỏi tại các doanh nghiệp cùng tham gia giảng dạy; ứng dụng AI trong đào tạo thực hành du lịch; tăng cường tỉ lệ thực hành ngoại ngữ và tin học; đào tạo theo chuẩn đầu ra quốc tế; có chương trình liên kết để học viên có thể đi học, thực tập tại nước ngoài…
Nguồn: https://nhandan.vn/tang-cuong-dao-tao-thuc-hanh-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-du-lich-post871959.html
Bình luận (0)