Hai đối tượng giả danh Công an bị Công an Tây Ninh bắt giữ tháng 8.2019. Ảnh: Hà Thuỷ – Phạm Công
Mặc dù thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải nhiều trường hợp tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và thông báo của ngành chức năng về việc phòng ngừa loại tội phạm này, nhưng mới đây vẫn có một nhóm người giả danh cán bộ Công an tỉnh và Bộ Công an gọi điện thoại hăm hoạ, hòng lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân.
Dàn dựng câu chuyện phạm tội
Sáng 2.6, tôi đang ngồi uống cà phê chờ con thi tuyển vào lớp 10, bỗng điện thoại reo vang. Đầu dây bên kia, một người đàn ông tự xưng là Trung uý Nguyễn Văn Tài, công tác ở Phòng PA05, Công an tỉnh Tây Ninh và thông báo đang thụ lý hồ sơ do Cảnh sát điều tra, Công an Hà Nội gửi về có liên quan đến tôi.
Người tự xưng là Trung uý Tài đề nghị tôi ngay bây giờ cầm giấy tờ tuỳ thân đến Phòng PA05, Công an tỉnh làm việc. Dù biết rằng đây là kẻ xấu giở trò giả danh cán bộ Công an tỉnh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng tôi tiếp tục nghe máy để thử xem chiêu trò của bọn chúng như thế nào.
Người tự xưng là Trung uý Tài cho biết, theo hồ sơ của Công an Hà Nội gửi về Công an tỉnh Tây Ninh, thời gian qua có rất nhiều người gọi điện thoại Phòng Cảnh sát điều tra, Công an Hà Nội phản ánh số điện thoại 0942.880444 gọi điện quấy rối và có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhiều người dân Hà Nội.
Công an Hà Nội làm việc với nhà mạng Vinaphone, qua kiểm tra, thấy số điện thoại nêu trên được đăng ký vào ngày 20.12.2022, bằng căn cước công dân đứng tên tôi, đăng ký tại địa bàn Hà Nội.
Để chứng minh cho vấn đề vừa nêu, người tự xưng là Trung uý Tài còn đọc đúng số căn cước công dân của tôi và hỏi vụ việc này là sao? Tôi vờ ấp úng, sợ sệt nhờ kiểm tra lại giùm có nhầm lẫn gì không.
Người tự xưng là Trung uý Tài tỏ ra “tốt bụng” cho hay sẽ giúp tôi soạn công văn với mã hồ sơ số 017486, gửi đến Công an Hà Nội nhờ giúp đỡ. Khoảng 5-7 giây sau một thanh niên khác tự xưng là Thượng uý Trần Anh Hùng, số hiệu 238286, đơn vị công tác tại Đội 6, Phòng PC02, Công an điều tra thành phố Hà Nội liên lạc với tôi. Tôi kể tóm tắt câu chuyện và báo mã hồ sơ.
Thanh niên này bảo tôi giữ liên lạc điện thoại và cho biết sẽ kiểm tra lại mã hồ sơ, đồng thời thông báo hồ sơ của tôi về Tổng Bộ Công an để rà soát xem còn vướng vào trường hợp nào nữa không.
Một lúc sau, Tổng bộ thông báo, ngoài việc dùng số điện thoại lừa đảo trên địa bàn Hà Nội, tôi còn đăng ký một tài khoản ngân hàng …Bank, có số tài khoản là 69685699985, có nguồn tiền 20,6 tỷ đồng, hỗ trợ cho đối tượng Phan Văn Long có nghi ngờ liên quan đến hoạt động rửa tiền của một băng nhóm tội phạm mua bán ma tuý.
Tổng bộ ra lệnh bắt tạm giam tôi, đồng thời thông báo đến Công an địa phương chấp hành lệnh bắt khẩn cấp. Nếu nghi phạm có dấu hiệu trốn tránh luật pháp, rời khỏi địa phương thì phát lệnh truy nã trên toàn quốc và chuyển giao về Công an TP. Hà Nội để tiến hành điều tra.
Vì tính chất nghiêm trọng của vụ án, người tự xưng là Thượng uý Hùng yêu cầu tôi không được tiết lộ vụ việc với người thân và yêu cầu tôi di chuyển đến một phòng trọ hoặc khách sạn để trao đổi thêm công việc.
Năm 2022, một người dân ở TP. Tây Ninh cũng gặp trường hợp tương tự và đã nghe lời những kẻ giả danh cán bộ Công an đến khách sạn để trao đổi công việc. Kết quả, người dân này đã bị chúng lừa đảo chiếm đoạt gần 170 triệu đồng.
Vụ việc đã được trình báo Công an Tây Ninh nhưng đến nay số tiền “không cánh mà bay” vẫn chưa quay lại khổ chủ. Biết trước nếu nghe lời bọn chúng di chuyển đến khách sạn sẽ gặp nhiều rủi ro nên tôi lấy lý do đến giờ rước con để từ chối. Người tự xưng là Thượng uý Hùng níu kéo tôi bằng mọi cách. Buổi chiều và ngày hôm sau, liên tục có 8 cuộc gọi vào máy của tôi với nhiều số điện thoại lạ.
Hai đối tượng giả danh Công an bị Công an phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh tạm giữ tháng 5.2022. Ảnh: Phạm Công
Cần xử lý nghiêm loại tội phạm này
Trong khuôn khổ bài viết, tôi không thể miêu tả hết tất cả chi tiết, lời lẽ của những người giả danh cán bộ Công an nêu trên, nhưng qua điện thoại có thể hình dung nhóm người này đã dàn dựng một vở kịch công phu, có trình tự báo án, có cách xưng hô, báo cáo đặc trưng của ngành Công an, có tiếng bộ đàm v.v…
Trong quá trình chuyện trò với “nạn nhân” bọn chúng khéo léo khai thác thông tin về đời tư, điều kiện kinh tế gia đình của nạn nhân. Qua đó cho thấy bọn chúng có nghiên cứu về tâm lý người dân.
Theo thống kê của ngành Công an Tây Ninh, từ cuối năm 2022 đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tiếp nhận hơn 50 vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thông qua nhiều hình thức: lôi kéo tham gia nhóm kín, đầu tư trên các sàn tiền ảo; tuyển cộng tác viên bán hàng qua mạng; vay tiền nhanh qua mạng; nộp thuế, phí để nhận tiền trúng thưởng; thông báo nhận tiền trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp; kết bạn qua mạng xã hội và nộp thuế, phí nhận quà từ nước ngoài; chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội, nhắn tin người thân, bạn bè mượn tiền; giả danh nhân viên ngân hàng yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng; giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Toà án thông báo phạm tội qua điện thoại để đe doạ yêu cầu chuyển tiền… chiếm đoạt của người dân hàng chục tỷ đồng.
Để phòng tránh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Công an tỉnh Tây Ninh khuyến cáo người dân tăng cường trau dồi kiến thức về pháp luật, thường xuyên theo dõi các phương thức thủ đoạn phạm tội được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; trước khi giao dịch về tài chính cần kiểm tra kỹ, đề phòng trước quảng cáo, giới thiệu những khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cao.
Đồng thời nâng cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi từ số điện thoại cố định lạ, người tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án.
Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ người nào khi chưa biết rõ nhân thân lai lịch của người đó và đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản mà các đối tượng chỉ định.
Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội để bảo đảm tính an toàn mật khẩu; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội; không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: căn cước công dân, thẻ ngân hàng… không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân kịp thời thông báo cho cơ quan Công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Qua thực tế cho thấy hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn đa dạng, tinh vi gây thiệt hại tài sản đặc biệt lớn, gây bất an trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.
Đáng lo ngại hơn nữa, những người giả dạng Công an còn dùng nhiều lời lẽ xuyên tạc, nói xấu cán bộ, lãnh đạo ngành Công an, ngành Ngân hàng và thậm chí lãnh đạo địa phương. Vấn đề này gây nhức nhối trong xã hội.
Thảo Nguyên