(BTNO) – Ngày 14.11, tại hội trường UBND thị xã Trảng Bàng, Sở Khoa học và Công nghệ Tây Ninh phối hợp UBND Thị xã tổ chức Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo với chủ đề: “Khởi nghiệp sáng tạo, kết nối và quảng bá sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu thị xã Trảng Bàng” năm 2024.
Ngày hội gồm các hoạt động: giao lưu, tư vấn, tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số; trao đổi về thực trạng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo hay, điển hình trong thời gian qua để tạo sự lan toả trong các tầng lớp thanh niên, nông dân và phụ nữ trên địa bàn Thị xã.
Có hơn 20 gian hàng trưng bày tại Ngày hội với các sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, các công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất… trong và ngoài Thị xã.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Minh Tâm– Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng cho biết, ngày hội là dịp để các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, học tập và chia sẻ kinh nghiệm trong khởi nghiệp, đồng thời, giới thiệu, trưng bày và quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tiêu biểu của địa phương…
Qua đó, góp phần thúc đẩy, hỗ trợ việc hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, sáng tạo trong doanh nghiệp.
Với tinh thần đổi mới, sáng tạo và nhằm phát huy tối đa vai trò các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các cấp, ngành, hội, đoàn thể thị xã Trảng Bàng luôn đồng hành, hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Các hoạt động hỗ trợ của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng phong phú, đa dạng về nội dung, hình thức; tạo chuyển biến tích cực về chất lượng, hiệu quả và phát huy vai trò kết nối, hỗ trợ, khai thác nguồn lực… của các thành phần hệ sinh thái tham gia vào phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng thị xã Trảng Bàng ngày một phát triển.
Ông Trần Minh Tâm cho biết thêm, ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024 với mục đích khơi dậy phong trào khởi nghiệp vì sự phát triển bền vững, đồng thời, truyền tải mong muốn xây dựng, kết nối các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương ngày càng phát triển, vững mạnh. Thông qua Ngày hội, tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, khởi sự phát triển kinh doanh tại địa phương và tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Chị Lâm Kiều Trinh- chủ cơ sở bánh canh Hoàng Minh 3 (thị xã Trảng Bàng) cho biết: “Doanh nghiệp chúng tôi có 2 sản phẩm đặc trưng của tỉnh và thị xã Trảng Bàng là bánh tráng phơi sương và bánh canh.
Đây là thương hiệu tồn tại đã 3 đời, chúng tôi sẽ cố gắng duy trì và phát triển thương hiệu, giữ gìn nghề truyền thống của gia đình. Tôi mong muốn tỉnh và thị xã Trảng Bàng tổ chức những ngày hội quảng bá sản phẩm để thương hiệu của chúng tôi ngày càng vươn xa, phát triển phục vụ cho khách hàng trong và ngoài nước, góp phần gìn giữ sản vật địa phương”.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hiền- chủ cơ sở bánh tráng Ngọc Uyên (thị xã Trảng Bàng) chia sẻ: “Sản phẩm tôi lựa chọn để khởi nghiệp là bánh tráng, bởi là một người con của Trảng Bàng nên tôi lựa chọn sản phẩm này để phát triển sản phẩm bánh tráng của quê nhà nhằm phát huy và bảo tồn đặc sản của tỉnh.
Để có được thương hiệu thành công như hôm nay thì tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm tôi đặt lên hàng đầu, kế đến là mẫu mã, để khách hàng an tâm khi sử dụng sản phẩm của chúng tôi”.
“Tôi hy vọng sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của địa phương, được xuất khẩu sang các nước và mong muốn tỉnh Tây Ninh kết nối du lịch với các tỉnh trong nước, nước bạn để đưa sản phẩm tỉnh nhà phát triển hơn nữa.
Hiện cơ sở chúng tôi tráng bánh thủ công, trong tương lai tôi mong muốn các ban, ngành có thể hỗ trợ các phương án giúp tăng năng suất và tăng chất lượng sản phẩm nhờ vào công nghệ hiện đại”- chị Hiền chia sẻ thêm.
UBND thị xã Trảng Bàng cho biết, hiện địa phương có nhiều sản phẩm đa dạng, tuy nhiên, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ; khâu quảng bá, tiêu thụ còn hạn chế, thiếu vốn.
Chính vì vậy, địa phương đề ra giải pháp để phát triển sản phẩm OCOP như: Nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; đa dạng hoá sản phẩm, khuyến khích sáng tạo, tạo ra sản phẩm mới, độc đáo; xây dựng thương hiệu chung.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp ngày càng tăng, các doanh nghiệp từng bước được tạo lập, hình thành và quy tụ thông qua các hoạt động kết nối và tương hỗ đến từ Hiệp hội Du lịch, Hội Doanh nhân trẻ, các cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân.
Ngoài ra, tỉnh xuất hiện nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao. Tập trung vào thế mạnh cốt lõi của tỉnh công nghiệp và du lịch, đồng thời phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu chế biến sâu để tận dụng được thế mạnh tài nguyên bản địa và văn hoá đặc thù tỉnh.
Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được nâng cao. Cộng đồng doanh nghiệp cởi mở đón nhận và hỗ trợ tích cực với nhiều hoạt động xúc tiến thương mại – kết nối giao thương được tổ chức thường xuyên và định kỳ. Các hoạt động tiếp xúc và trao đổi chính sách cũng góp phần nâng cao nhận thức và kết nối.
Nhi Trần
nguồn: https://baotayninh.vn/khoi-nghiep-sang-tao-ket-noi-va-quang-ba-san-pham-ocop-cong-nghiep-nong-thon-tieu-bieu-a181563.html