Trong hơn 32.300 người đang tìm việc, lao động có trình độ từ đại học trở lên chiếm gần 77% và gặp nhiều khó khăn hơn các nhóm khác, theo báo cáo của Falmi.
Đó là một phần trong báo cáo thị trường lao động quý 3 và nhu cầu nhân lực quý 4 trên địa bàn TP HCM do Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố (Falmi) vừa công bố. Báo cáo đã khảo sát 14.540 doanh nghiệp với gần 70.000 vị trí việc làm và 32.305 người tìm việc.
Theo Falmi, lao động đang tìm việc có trình độ đại học trở lên chiếm gần 77%, tỷ lệ này ở nhóm cao đẳng hơn 20%, trung, sơ cấp khoảng 2% và chỉ có 0,53% người muốn làm các công việc của lao động phổ thông như công nhân đóng gói, may mặc, nhập liệu tại nhà…
Trong khi đó, trong tổng số nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, các vị trí cần trình độ từ đại học trở lên chỉ chiếm gần 23%, tỷ lệ này ở nhóm cao đẳng là 24,61%, trung, sơ cấp chiếm gần 39%. Có đến 13,55% nhu cầu tuyển dụng cần lao động phổ thông với gần 9.500 vị trí việc làm, tập trung chủ yếu ở các nhóm kinh doanh thương mại, bảo vệ, tư vấn, chăm sóc khách hàng, kho bãi…
TS Đỗ Thanh Vân, Phó giám đốc Falmi, đánh giá giai đoạn này lao động có trình độ từ đại học trở lên gặp nhiều khó khăn khi tìm việc hơn các nhóm khác. Nguyên nhân đến từ nhu cầu của nhà tuyển dụng và kỳ vọng về mức lương, khả năng đáp ứng của người lao động đối với các vị trí.
Ông Vân đơn cử, đối với ngành dịch vụ nhà hàng, lưu trú khách sạn khi Falmi khảo sát, các doanh nghiệp đều yêu cầu ứng viên chỉ cần tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp. Theo nhà tuyển dụng, những lao động có trình độ này sẽ thực hành tốt, bắt tay vào làm việc ngay, không cần phải đào tạo lại. Yêu cầu này cũng tương tự ở nhóm ngành cơ khí.
Ngoài ra, theo ông Vân, ở giai đoạn này các doanh nghiệp gặp khó khăn, siết chặt chi tiêu nên hạn chế tuyển dụng các vị trí quản lý trả lương cao mà ưu tiên người làm được việc ngay, cụ thể là nhóm trực tiếp sản xuất. Do đó, các vị trí có trình độ từ đại học trở lên phải cạnh tranh nhiều hơn.
Về mức lương, khảo sát của Falmi cũng chỉ ra có trên 40% người tìm việc mong muốn lương mỗi tháng trên 20 triệu đồng, gần 21% lao động muốn lương trên 15-20 triệu đồng, mức từ trên 10-15 triệu đồng chiếm 26% và còn lại mong muốn lương từ 5-10 triệu đồng.
Trong khi đó, chưa đến 15% các vị trí tuyển dụng có mức lương mỗi tháng trên 20 triệu đồng, chủ yếu ở các vị trí như kỹ thuật điện tử, kỹ sư phần mềm, bác sĩ, quản lý điều hành… Các vị trí có mức lương trên 10-15 triệu đồng mỗi tháng chiếm ưu thế với tỷ lệ hơn 34% trong tổng số nhu cầu tuyển dụng. Đặc biệt, trên 2% vị trí tuyển dụng có lương dưới 5 triệu đồng.
Trước đó, thống kê 6 tháng của Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM, người thất nghiệp có trình độ từ đại học trở lên chiếm 36%, xếp thứ hai trong tổng số người nộp hồ sơ toàn thành phố. Đứng đầu là nhóm không có bằng cấp, chứng chỉ chiếm khoảng 53%, thứ ba thuộc về nhóm có cao đẳng, chiếm gần 6%.
Lê Tuyết