Gần 200 sinh viên xuất sắc đến từ các đại học hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương đến Việt Nam tham dự kỳ thi lập trình ICPC để giành suất vào vòng toàn cầu.
Chung kết kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ICPC châu Á – Thái Bình Dương khai mạc ngày 1/3 tại trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Kỳ thi quy tụ 195 sinh viên công nghệ thông tin, thuộc 65 đội tuyển đến từ 40 đại học danh tiếng nhất của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.
Trong đó, nhiều trường hàng đầu châu Á là Đại học Quốc gia Singapore, Công nghệ Nanyang (Singapore), Viện Công nghệ Tokyo, Đại học Kyoto (Nhật Bản), Đại học Hàn Quốc, Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), Đại học Chulalongkorn (Thái Lan). Ở Việt Nam, 12 đội tuyển đến từ 7 trường kỹ thuật lớn trong cả nước.
ICPC là cuộc thi lập trình lâu đời và danh giá bậc nhất thế giới với lịch sử hơn 50 năm, được ví như “Thế vận hội Olympic” dành cho sinh viên ngành Công nghệ thông tin. Vòng thi ở Việt Nam là một trong 8 cuộc thi ICPC khu vực nhằm chọn ra 16 đội tuyển thi chung kết toàn cầu tại Kazakhstan vào tháng 9.
Trong lần đầu vòng chung kết khu vực châu Á – Thái Bình Dương được tổ chức tại Việt Nam, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội chuẩn bị kỹ lưỡng cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật.
Kỳ thi được vận hành toàn bộ trên các hệ thống trực tuyến theo chuẩn quốc tế, hệ thống giám sát online VNOJ do Câu lạc bộ Olympic Việt Nam vận hành, GS Rie Shigetomi Yamaguchi (Nhật Bản) làm Giám đốc kỹ thuật.
Ban ra đề, hội đồng giám khảo gồm các chuyên gia hàng đầu trong khu vực. Chủ tịch hội đồng giám khảo là ông Jonathan Irvin Gunawan (Indonesia). Kết quả thi công bố trực tiếp theo thời gian thực, chỉ “đóng băng” một giờ trước khi kết thúc nhằm bảo mật giải chung cuộc đến khi công bố, tối 2/3.
Từng là thí sinh và cũng từng dẫn dắt nhiều đội tuyển Việt Nam vào chung kết ICPC toàn cầu, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đánh giá các đội thi ICPC có thực lực rất ấn tượng.
Tại cuộc thi, thí sinh cần nhiều kỹ năng khác nhau như lập trình những chương trình zero-error (không có lỗi nào), kiểm thử, làm việc nhóm… Vì vậy, ông cho rằng cuộc thi này là cơ hội tốt để sinh viên phát triển bản thân và để các quốc gia lựa chọn nhân tài cho những bước phát triển của ngành Công nghệ thông tin.
Thực tế, rất nhiều thí sinh từng giành chiến thắng ở cuộc thi khu vực hiện làm việc ở các tập đoàn công nghệ đa quốc gia như Google hay Huawei. Nhiều người đã khởi nghiệp thành công ở Việt Nam.
“Chúng tôi hy vọng những con người ngồi ở đây hôm nay sẽ là những nhà lãnh đạo của những công ty công nghệ thành công trong tương lai”, ông Duy nói.
GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng ban tổ chức ICPC 2024, khẳng định sẽ tổ chức thành công kỳ thi năm nay, ghi lại dấu ấn tốt đẹp nhất với bạn bè quốc tế.
Việt Nam tham gia ICPC lần đầu vào năm 2005. Từ đó đến nay, các đội tuyển của Việt Nam liên tục nằm trong top 100-140 trường vào chung kết ICPC toàn cầu. Năm 2002, đội tuyển đến từ trường Đại học Công nghệ là đại diện Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương đồng, xếp hạng 12 toàn cầu. Đây cũng là đội tuyển đầu tiên đến từ các nước Đông Nam Á giành huy chương.