Đồng chí Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chủ trì hội thảo. Cùng dự, có các nhà khoa học, giảng viên, cán bộ làm công tác tuyên giáo của Thành ủy Hà Nội, đại diện cộng đồng họ Bùi Việt Nam, thân nhân gia đình của cụ Bùi bằng Đoàn.
Cụ Bùi Bằng Đoàn sinh ra trong gia đình có truyền thống khoa bảng tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, nay thuộc thành phố Hà Nội.
Năm 1906, khi mới 17 tuổi, Bùi Bằng Đoàn đã thi đỗ Cử nhân, rồi được nhận vào học và tốt nghiệp Thủ khoa Trường Hậu Bổ, cơ sở đào tạo viên chức hành chính, rồi lần lượt được bổ nhiệm các chức quan từ cấp huyện lên cấp tỉnh tại Phú Thọ, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Ninh, Nam Định, Lạng Sơn, Cao Bằng, Phúc Yên, Ninh Bình… Năm 1933, cụ được bổ nhiệm làm Thượng thư Bộ Hình, thành viên Viện Cơ mật, năm 1945 làm Chánh nhất Tòa Thượng thẩm Hà Nội.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, quý trọng tài đức của cụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ đảm nhiệm các trọng trách: thành viên Ban Cố vấn Chủ tịch nước, thành viên Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết, Trưởng Ban Thanh tra Đặc biệt của Chính phủ, thành viên sáng lập Hội Liên hiệp quốc dân, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương tản cư và di cư.
Tham luận của các đại biểu tại hội thảo đã tập trung phân tích, luận giải những nhân tố ảnh hưởng của gia đình, quê hương Hà Nội đối với sự hình thành nhân cách của nhà chí sĩ yêu nước Bùi Bằng Ðoàn; đồng thời, luận giải về những mốc son trong cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của cụ Bùi Bằng Ðoàn đối với cách mạng Việt Nam.
Comment (0)