Cặp linh vật rắn của TP. Huế xuân Ất Tỵ 2025. Ảnh: Bảo Phước 

Theo huyền thoại được lưu truyền tại làng Phù Bài (thị xã Hương Thủy), ông Dài - ông Cụt là hai anh em sinh đôi có mẹ là Người, cha là thần Rắn và là cháu nội của thần Gió. Chuyện rằng, có một cô gái ở ngôi làng nọ đã đến tuổi cập kê nhưng vẫn chưa chịu lấy chồng. Một hôm, bỗng nhiên cô thấy mình mang thai mà không biết vì đâu. Chẳng bao lâu, khi đang rửa mặt ở bờ ao thì bỗng nhiên có cặp rắn nhỏ từ người cô gái bò xuống, cái bụng sau đó xẹp ngay trở lại.

Tuy nhiên, theo lệ làng, cô vẫn phải bị phạt vạ tội chửa hoang. Trước hôm bị đưa ra đình xét xử, một vị tiên xuất hiện trong giấc mơ của cô và phán rằng: “Con vốn là người của nhà trời, vì trước đây vô ý nuốt nhầm hai cái trứng của thần Rắn là con của thần Gió, nên phải đày xuống trần gian để sinh ra. Nay đã hết hạn, con được lên trời. Ngày mai con kiếm ba thước lụa điều thắt vào lưng để các thần nhận ra con mà đưa lên”.

Làm theo lời báo mộng, trên đường tới sân đình, cô xin ba thước lụa điều và biến mất trước mắt mọi người. Sau khi cô rời đi, người cha ở trần gian rất buồn rầu. Một lần ông đang thiu thiu ngủ thì có hai đứa trẻ đến tự nhận là cháu, xin được cùng ở với ông. Mở mắt ra, ông thấy một đôi rắn nhỏ nằm quấn quýt với nhau. Giật mình nhớ lại chuyện cũ, ông chăm sóc đôi rắn như cháu mình, đi đâu cũng mang theo.

Trong một lần đi phạng bờ ruộng chuẩn bị gieo cấy, ông vô ý chém phải làm đuôi một con bị đứt lìa. Từ đó con Dài và con Cụt phân biệt nhau. Vì là cháu của thần Gió nên đôi rắn thường dùng phép làm thay đổi hướng gió, giúp đỡ bà con đi lại trên vùng sông nước thuận lợi và tạo những cơn mưa cần thiết cho mùa màng. Khi ông lão già yếu, qua đời thì đôi rắn cũng biến mất. Dân làng lâm vào cảnh mất mùa, đói kém. Bấy giờ, họ nhớ lại chuyện cũ nên cùng nhau tôn đôi rắn là ông Dài - ông Cụt và lập bài vị thờ ở đình làng.

Từ huyền thoại trên, có thể thấy, trong tâm thức dân gian vùng Huế, thần Rắn (ông Dài - ông Cụt) là một nhiên thần gắn liền với nước (sinh ra ở bờ ao, có khả năng đổi hướng gió, tạo mưa), không chỉ phù trợ cho việc đi lại trên sông nước, mà còn bảo trợ cho mùa màng. Cùng chung vai trò này, ông Dài - ông Cụt cũng được dân làng Bác Vọng Đông tôn xưng và thờ cúng tại miếu Hai Ông Lớn.

Khác với ông Dài - ông Cụt làng Phù Bài, Hai Ông Lớn làng Bác Vọng Đông có tính cách dị thường hơn. Có lẽ, đó cũng là cách phản ảnh phần nào sự bất trắc, khó lường của thiên nhiên khiến con người vừa phải kính sợ vừa phải cầu xin, nhất là trong điều kiện tất cả đều phải “Trông trời, trông đất, trông mây. Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”. Cũng từ lệ cúng tế của làng Bác Vọng Đông, có thể thấy tín ngưỡng thờ ông Dài - ông Cụt không dừng lại ở phạm vi làng xã, mà thậm chí còn được Nhà nước “nâng cấp” với những điển chế về phẩm vật, lễ nhạc và nhất là sự có mặt của quan lại địa phương và cả Trung ương trong các dịp tế lễ.

Mặc dù các cơ sở thờ thần Rắn ở Huế không phổ biến so với thờ Hổ, thờ cá Voi, thờ Ngựa… nhưng đây là một trong những tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt và có nhiều điểm tương đồng với tín ngưỡng của người Mường, một dân tộc cùng nguồn gốc với người Việt cổ. Nhân vật Khú trong huyền thoại Mường trong hình dáng một con rắn lớn dưới nước thường được so sánh với Ông Cụt và cũng gắn với các nghi lễ nông nghiệp. Đặc biệt, tín ngưỡng thờ ông Dài - ông Cụt hiện vẫn còn khá phổ biến ở các làng xã thuộc vùng châu thổ sông Hồng, như: Làng Chân Lạc (tỉnh Bắc Ninh) thờ ông ông Dài - ông Cụt trong hình ảnh tượng rắn ở hậu cung đền Chóa; các làng Đại Từ, Cát Động, Kim Bài (Hà Nội) thờ ông ông Dài - ông Cụt dưới danh xưng Thiên Quan và Ngũ Lôi; làng Văn Xá (Hà Nam) thờ ông Dài - ông Cụt với tên gọi Câu Mang huynh và Câu Mang đệ…

Nguyên Ninh