Diễn đàn có sự tham gia của nhiều nhà quản lý giáo dục, chuyên gia tâm lý.
Diễn đàn có sự tham gia của nhiều nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia tâm lý, nghệ sĩ và sự góp mặt của gần 2.000 học sinh đến từ các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Vinh.
Phát biểu khai mạc, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong nhấn mạnh: Đây là lần thứ hai, Báo Tiền phong tổ chức Diễn đàn “Điều em muốn nói” với chủ đề “Phòng, chống bạo lực học đường”. Đây là một vấn đề nóng, thậm chí nhức nhối hiện nay. Nó không chỉ ảnh hưởng mà còn có nguy cơ làm biến dạng môi trường sư phạm, khiến cho việc đến trường với nhiều em học sinh không còn là một niềm vui mà là nỗi lo sợ. Trong một số trường hợp, các em bị đẩy vào tình trạng cực đoan, có những hành động thiếu suy nghĩ rất đáng tiếc, mang lại nỗi buồn lo, thậm chí là nỗi đau cho bố mẹ, người thân, thầy cô, bạn bè và toàn xã hội.
Diễn đàn là cơ hội cho các em được đối thoại, giãi bày, trình bày các vấn đề gặp phải về bạo lực học đường và quan điểm của mình với các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia, những người nổi tiếng có ảnh hưởng trong xã hội, với các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và được nghe từ họ những kiến giải, những lời khuyên bổ ích để hỗ trợ các em học sinh giải quyết các vấn đề, vượt qua các khó khăn của lứa tuổi.
Đông đảo học sinh ở thành phố Vinh tham gia.
Với sự tham gia tích cực, chủ động của các chủ thể, đặc biệt là các em học sinh diễn đàn là cơ hội để nhận diện, mổ xẻ vấn đề, đưa ra những kiến giải, những giải pháp để góp phần phòng chống bạo lực học đường.
Tại diễn đàn, nhiều câu hỏi, tâm sự của các em học sinh, phụ huynh trên địa bàn thành phố Vinh được đặt ra. Những xung đột về tình cảm, những xích mích trong và ngoài nhà trường, những cách giải quyết khi xảy ra bạo lực học đường… được các chuyên gia, khách mời trả lời ngay tại diễn đàn.
Phó Vụ trưởng Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân An Việt chia sẻ, tình trạng bạo lực học đường nói riêng, tình hình vi phạm pháp luật nói chung là hậu quả của những cá nhân chưa đạt về văn hóa, đạo đức, lối sống, kỹ năng,… trong cuộc sống. Ảnh hưởng của thế giới số đang ngày càng lấn át thế giới thực.
Để giải quyết gốc của vấn đề này, theo ông Nguyễn Xuân An Việt, cần tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường; thực hiện nghiêm túc thực chất ứng xử văn hóa trong trường học, giáo dục đạo đức, lối sống kỹ năng sống cho học sinh để ‘miễn nhiễm’ với bạo lực học đường nói riêng và các tệ nạn xã hội. Giữa nhà trường và gia đình cần tăng cường phối hợp trong quản lý giáo dục học sinh, phát huy vai trò của gia đình trong quản lý giáo dục học sinh. Nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhìn nhận, bạo lực học đường không mới nhưng không bao giờ cũ. Bạo lực học đường hiện nay như tảng băng chìm.
Hiện nay học sinh, người trẻ không chỉ bị bạo lực “nóng”, bằng các hành động mà còn bị bạo lực “lạnh”, bạo lực “trắng”, đó là bạo lực tinh thần như tẩy chay, gây áp lực tâm lý…. Không chỉ bạo lực trong môi trường thực mà còn bị bạo lực trên môi trường không gian mạng.
Để hạn chế nạn bạo lực học đường, cần tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Trong đó có kỹ năng giải quyết xung đột trong trường học. Cấp bách tăng cường công tác tham vấn học đường. Cần giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường, xã hội.
Kết luận diễn đàn, Giáo sư, Tiến sĩ Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, nhấn mạnh: Từ ý kiến của các chuyên gia và những trao đổi, chia sẻ của các em học sinh tại diễn đàn “Điều em muốn nói” lần này, đã giúp ngành giáo dục có thêm giải pháp tích cực, đồng bộ để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc liên quan đến bạo lực học đường.
Qua đây, chúng ta cảm nhận được đây là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chung tay cùng ngành giáo dục trong hành trình trang bị tri thức và nuôi dưỡng tâm hồn tươi đẹp, giàu tính nhân văn đối với các thế hệ học sinh thân yêu của mình.
Thầy, cô đều rất hiểu tâm lý lứa tuổi của các em ở giai đoạn này, giai đoạn luôn muốn khẳng định bản thân, khẳng định cái tôi đối với bạn bè, bố mẹ và thậm chí cả với thầy cô. Nhưng các em cũng biết rằng, giá trị khẳng định vị trí của con người không chỉ nằm ở sức mạnh thể chất mà vượt lên tất cả chính là vẻ đẹp tâm hồn, lòng vị tha, sự bao dung của mỗi chúng ta. Cuộc sống xã hội thực chất là những mối quan hệ giữa con người với con người, trong xã hội ấy để phát triển con người không chỉ cần nỗ lực phát huy những năng lực của bản thân mà còn cần đoàn kết, tương trợ đối với những người chung quanh. Cuộc sống sẽ thực sự ý nghĩa nếu các em không chỉ biết sống cho mình mà còn biết giúp đỡ người khác, đặc biệt là những người bất hạnh, yếu thế. Người mạnh thực sự không chỉ nằm ở yếu tố tự thân mà còn ở cách hành xử với những người chung quanh.
Thầy Thái Văn Thành mong rằng, với mỗi em học sinh đó chính là ý thức giúp đỡ, tương trợ để cùng chung sống với những người chung quanh, mà hành động ấy được xuất phát từ tình thương, lòng vị tha của mỗi con người. Và với mỗi quốc gia lại là hành động tôn trọng, hợp tác để cùng tồn tại, phát triển trên tinh thần hữu nghị quốc tế.