Ngày 9/12/2013, Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chính thức được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định 2383/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ. Di tích lịch sử và danh lam thắng…
Hồ Hoàn Kiếm, tức hồ Gươm – dấu tích của một khúc sông Nhị Hà xưa, là thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô.
Xa xưa, hồ này có tên là hồ Lục Thủy, hồ Tả Vọng, sau đó được đổi tên theo truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm, nên gọi là hồ Hoàn Kiếm/hồ Gươm. Trên gò đất nổi trong lòng hồ có một ngọn tháp, nơi rùa thường bò lên đẻ trứng nên được gọi là tháp Rùa (Quy Sơn tháp). Tháp xây bằng gạch, có mặt bằng hình chữ nhật, gồm 4 tầng, có 5 cửa dạng vòm. Tầng chóp có mái dạng phương đình 4 mái.
Đền Ngọc Sơn tọa lạc trên đảo Ngọc trong hồ Hoàn Kiếm, gồm các hạng mục: nghi môn, tháp Bút, nghi môn nội, đài Nghiên, cầu Thê Húc, cổng Đắc Nguyệt, đình Trấn Ba, tiền tế, trung đường, hậu cung, tả – hữu vu, nhà kính thư, nhà hậu.
Đền Ngọc Sơn không chỉ là một di tích tín ngưỡng, mà một thời còn là nơi sinh hoạt của Hội Hướng thiện, một tổ chức tập hợp được nhiều nhà Nho yêu nước đương thời, như Nguyễn Văn Siêu (1799-1870), Vũ Tông Phan (1800-1851) để tuyên truyền, giáo dục điều thiện cho quần chúng, tổ chức in nhiều loại sách, như sách thuốc, kinh của đạo Giáo, sách luận về tín ngưỡng… Khi Pháp chiếm Hà Nội, nhiều hội khác, như Lạc Thiện, Tập Thiện, An Lạc cũng lấy đền Ngọc Sơn làm cơ sở tuyên truyền chủ trương chống Pháp. Những năm đầu của thế kỷ XX, Nguyễn Thượng Hiền, Lương Văn Can, đã cho xây kinh đàn để giảng kinh tại đây. Nhiều nhà trí thức đã lập ra một số tổ chức và công khai kêu gọi nhân dân đoàn kết yêu nước, mà tiêu biểu là phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục…
Khu tưởng niệm vua Lê thuộc phường Hàng Trống, gồm các hạng mục: nghi môn, phương đình và tượng vua Lê.
Đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Hoàn Kiếm luôn được chính quyền và nhân dân Hà Nội, cùng cả nước quan tâm tôn tạo, giữ gìn và phát huy giá trị, đã trở thành một trong những biểu tượng về lịch sử, văn hóa và cảnh quan của Thủ đô ngàn năm văn vật. Di tích mang giá trị lớn về nhiều mặt và ngày càng thân thiết, gắn bó với người dân Hà Nội nói riêng và nhân dân cả nước, cũng như bạn bè quốc tế nói chung./.
(Theo Sở Văn hóa – Thể thao Tp.Hà Nội)