Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/01/1946 đánh dấu sự ra đời của Quốc hội Việt Nam, một thiết chế dân chủ, thiết chế trụ cột trong Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, tất cả các công dân từ 18 tuổi trở lên tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội có ba chức năng chính, bao gồm: (1) Lập pháp; (2) Quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; (3) Giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước.
Các nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Quốc hội Việt Nam được quy định trong Hiến pháp Việt Nam, bao gồm: (1) Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật; (2) Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập; (3) Quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; (4) Quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; (5) Quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước; (6) Quy định tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước, chính quyền địa phương và cơ quan khác do Quốc hội thành lập; (7) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, Hội đồng bầu cử quốc gia. Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp; (8) Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; (9) Quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; thành lập, bãi bỏ cơ quan khác theo quy định của Hiến pháp và luật; (10) Bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội (11) Quyết định đại xá; (12) Quy định hàm, cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân, hàm, cấp ngoại giao và những hàm, cấp nhà nước khác; quy định huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự nhà nước; (13) Quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia; (14) Quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và điều ước quốc tế khác trái với luật, nghị quyết của Quốc hội; (15) Quyết định trưng cầu ý dân.
Quốc hội Việt Nam làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Hiệu quả hoạt động của Quốc hội được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp của Quốc hội, hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và hiệu quả của sự phối hợp hoạt động với Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức khác. Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 05 năm, kể từ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa đó đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá sau. Sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khoá mới phải được bầu xong. Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá 12 tháng, trừ trường hợp có chiến tranh. Thông thường, Quốc hội Việt Nam họp thường lệ mỗi năm 02 kỳ do Uỷ ban thường vụ Quốc hội triệu tập. Tuy nhiên, Uỷ ban thường vụ Quốc hội có thể triệu tập phiên họp bất thường theo quyết định của mình, hoặc khi Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc khi có ít nhất 1/3 tổng số Đại biểu Quốc hội yêu cầu. Các cuộc họp của Quốc hội đều công khai, một số phiên họp được truyền hình và phát thanh trực tiếp. Đại diện cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang, cơ quan báo chí, công dân và khách quốc tế có thể được mời dự các phiên họp công khai của Quốc hội. Đứng đầu Quốc hội Việt Nam là Chủ tịch Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội chủ tọa các phiên họp của Quốc hội; ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; lãnh đạo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội; giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội. Các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội. Tổng số đại biểu Quốc hội không quá 500 người, bao gồm đại biểu hoạt động chuyên trách và đại biểu hoạt động không chuyên trách. Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội làm Phó Chủ tịch. Quốc hội thành lập các cơ quan chuyên môn gồm: Hội đồng dân tộc; 09 Ủy ban (Uỷ ban pháp luật; Uỷ ban tư pháp; Uỷ ban kinh tế; Uỷ ban tài chính, ngân sách; Uỷ ban quốc phòng và an ninh; Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục; Uỷ ban Xã hội; Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường; Uỷ ban Đối ngoại). Đoàn đại biểu Quốc hội gồm các đại biểu Quốc hội được bầu trong một tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương hợp thành; Văn phòng Quốc hội là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, Ủy ban thường vụ Quốc hội còn thành lập các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các lĩnh vực công việc cụ thể, bao gồm: Ban Công tác Đại biểu, Ban Dân nguyện và Viện Nghiên cứu lập pháp. Quốc hội Việt Nam hiện nay là thành viên của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Liên minh Nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF), là thành viên sáng lập Diễn đàn Nghị sĩ các nước châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Tổ chức Liên nghị viện các nước châu Á vì Hòa bình (AAPP);… Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của các khóa Quốc hội tiền nhiệm, Quốc hội khóa XV (2021-2026) do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đứng đầu đã tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân; phát huy cao độ dân chủ, đoàn kết, pháp quyền, liêm chính, công khai, minh bạch, tăng tính chuyên nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc, thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong những năm đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã không ngừng nâng cao chất lượng công tác lập pháp và kỷ luật, kỷ cương quy trình lập pháp, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống pháp luật và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhằm tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ để kiến tạo phát triển bền vững đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát, coi đây là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn, tăng cường hoạt động chất vấn ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giải trình ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH, chú trọng giám sát việc thực thi pháp luật và giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu… Không ngừng đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước về tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của Nhà nước; về mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia. Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực tài chính - ngân sách. Nâng cao chất lượng quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; tiếp tục tăng cường đối ngoại của Quốc hội gắn với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần nâng cao uy tín Quốc hội và vị thế của đất nước trên trường quốc tế; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong tổ chức hoạt động của Quốc hội. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Quốc hội; công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân; đổi mới và tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri, tham vấn, lắng nghe ý kiến, gắn bó chặt chẽ với cử tri. Để thực hiện các mục tiêu của nhiệm kỳ, theo thống kê ban đầu, trong gần 3 năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã ban hành khoảng 136 văn bản quy phạm chính thức (trong đó, Quốc hội hội ban hành 101 QPPL, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 35 văn bản QPPL); 793 chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội tại các Hội nghị, Diễn đàn, Cuộc họp,... Trải qua lịch sử gần 80 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, luôn khẳng định là nơi tập trung trí tuệ, bản lĩnh, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri, ở giai đoạn cách mạng nào cũng luôn đồng hành cùng dân tộc, luôn hoàn thành sứ mệnh và trọng trách được giao phó.
Theo nghisitre.quochoi.vn
Nguồn
Bình luận (0)