Rà soát, sửa đổi các luật, hoàn thiện thể chế
Ngày 25/9, Báo Đầu tư tổ chức hội thảo: “Đổi mới sáng tạo – liều thuốc phát triển ngành y dược”. Đây là diễn đàn mở trao đổi về những giải pháp, động lực cho đổi mới sáng tạo ngành y dược trong giai đoạn mới, giúp phát triển bền vững ngành y tế và tăng cường tiếp cận y tế chất lượng cao cho người dân.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, 2024 là một năm then chốt với việc rà soát, sửa đổi các luật và quy định quan trọng định hình hoạt động của ngành y dược trong một thập kỷ tới đây, góp phần thúc đẩy đầu tư hệ thống y tế bền vững và kiến tạo một hệ sinh thái thuận lợi thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
“Nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện thể chế. Năm 2024, các bộ, ngành phải rà soát tất cả các văn bản pháp luật để có hệ thống pháp luật đồng bộ, các nhà quản lý, doanh nghiệp, các thành viên thị trường… căn cứ vào đó tổ chức thực hiện.
Trong những năm của nhiệm kỳ này, Bộ Y tế xác định khối lượng khá lớn công việc, bao gồm việc sửa đổi, bổ sung 3 luật cốt lõi là Luật Khám chữa bệnh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược,… Trong đó phải nói đến Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dược 2016… Chính phủ sẽ trình vào kỳ họp Quốc hội tháng 10 này” – ông Tuyên cho biết.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 376/QĐ-TTg về Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước giai đoạn 2030-2045 với quan điểm phát triển: thu hút đầu tư nước ngoài để sản xuất: thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vaccine, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự….
Ngày 9/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 1165/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu: “Phát triển ngành dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công/chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN. Phấn đấu phát triển nền công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 theo phân loại của WHO…”.
Đổi mới sáng tạo – liều thuốc phát triển ngành y dược
Để đón đầu nhiều cơ hội phát triển trong tương lai và sẵn sàng đón nhận, thu hút đầu tư từ các ngành công nghiệp dược hiện đại trên thế giới theo đúng định hướng và mục tiêu của ngành dược, Bộ Y tế cũng đang rà soát, sửa đổi Luật Dược.
Để Bộ Y tế trình Quốc hội xem xét với định hướng thu hút đầu tư phát triển các hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ để sản xuất dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc generic đầu tiên, thuốc công nghệ cao, vaccine và sinh phẩm, thuốc là sản phẩm từ máu và huyết tương,…của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài tại Việt Nam. Nhằm chủ động, phát triển bền vững sản xuất trong nước đồng thời thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu đến các thị trường tiên tiến.
“Về thuốc, trước tiên phải có nguyên liệu làm thuốc, mà với hóa dược, Việt Nam đang nhập khẩu 80%, nhưng có tiềm lực lớn về vùng nguyên liệu. Nguồn nhân lực, con người trong ngành sản xuất thuốc cũng rất sẵn sàng. Theo các quy định sửa đổi, chúng tôi đề xuất những ưu tiên cho việc sản xuất thuốc tại Việt Nam, bao gồm việc ưu tiên cấp giấy phát hành, ưu tiên nằm trong danh sách thuốc được ban hành…
Chúng ta phải thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực: về cơ sở sản xuất và dây chuyền, ứng dụng công nghệ trong thử nghiệm lâm sàng, đặc biệt, đổi mới sáng tạo trong vấn đề sử dụng thuốc và các sinh phẩm có hiệu quả…” – Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Với mục tiêu trên, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, hội thảo mở đầu cho các chuỗi sự kiện truyền thông, kết nối mở rộng hợp hợp tác nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ sản xuất nguyên liệu làm thuốc, thuốc gốc, thuốc chất lượng cao theo đúng chiến lược, chủ trương của ngành dược và Chính phủ về phát triển lĩnh vực công nghiệp dược Việt Nam.
Đây cũng là cơ hội để Bộ Y tế tìm hiểu, tiếp nhận các ý kiến nhằm hoàn thiện các thể chế, trong đó có thể chế về dược trình Quốc hội thông qua (Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dược 2016) vào tháng 10/2024 và các văn bản hướng dẫn sau khi Luật được thông qua.
Tại hội thảo, Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho rằng, để đổi mới sáng tạo thực sự là liều thuốc phát triển bền vững ngành y dược vẫn đòi hỏi việc giải quyết tổng hòa rất nhiều nhiệm vụ cụ thể. Từ việc tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong phòng bệnh, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh.
Sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế, thiết bị y tế có chất lượng cao đến hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về y tế trên cơ sở bám sát thực tiễn, phát hiện nhanh các vấn đề phát sinh và kịp thời điều chỉnh quy định của pháp luật có liên quan.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/de-xuat-uu-tien-cho-viec-san-xuat-thuoc-tai-viet-nam.html