Trí tuệ nhân tạo AI có sự phát triển vượt bậc, trở thành một trong những công nghệ then chốt thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, từ khâu số hóa dữ liệu, quy trình nghiệp vụ đến chuyển đổi mô hình hoạt động tại Việt Nam là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.
Nghiên cứu giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Tập đoàn Công nghệ CMC. Ảnh: Nhật Nam
Qua đó kế thừa và phát huy những thành tựu mới nhất của nhân loại, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT gắn với các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, phát triển khoa học và công nghệ; phát huy tiềm năng của doanh nghiệp, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực; từng bước nhận chuyển giao, làm chủ, tiến tới sáng tạo công nghệ. Tập trung nguồn lực để tạo ra và phát triển các sản phẩm TTNT, dịch vụ TTNT quan trọng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh; đầu tư có trọng điểm ứng dụng TTNT trong một số lĩnh vực liên quan tới quốc phòng an ninh, quản lý tài nguyên, môi trường và dịch vụ cho người dân; phát triển mạnh các doanh nghiệp ứng dụng TTNT, doanh nghiệp khởi nghiệp về TTNT.
Với mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT, đưa TTNT trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng TTNT trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Đặc biệt là xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về giao dịch điện tử, về thiết lập và chia sẻ dữ liệu, về các khung thể chế thử nghiệm (sandbox), tạo ra một không gian thử nghiệm thuận lợi với khung chính sách pháp lý riêng để tiến hành thử nghiệm TTNT trong các lĩnh vực có tiềm năng; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật định dạng về công nghệ và sản phẩm TTNT. Hình thành nền tảng dữ liệu và tính toán xây dựng quy định, danh mục các cơ sở dữ liệu nghiệp vụ mà các bộ, ngành, địa phương phải dùng chung, chia sẻ, mở; thúc đẩy văn hóa xây dựng và dùng chung, chia sẻ, mở dữ liệu trong cộng đồng khoa học, doanh nghiệp, người dân.
Thúc đẩy thực hiện Chiến lược dữ liệu quốc gia; tập trung đầu tư công trong hình thành các cơ sở dữ liệu hành chính dùng chung, chia sẻ, mở trong quá trình triển khai Chính phủ điện tử; xây dựng khung chia sẻ dữ liệu tin cậy nhằm thúc đẩy hợp tác chia sẻ dữ liệu giữa các doanh nghiệp, cá nhân thuộc khu vực tư nhân; tích hợp dữ liệu dùng chung, chia sẻ, mở của các bộ, ngành, địa phương lên Cổng dữ liệu quốc gia; triển khai hợp tác công – tư, đồng tài trợ cho xây dựng các nền tảng và hệ thống tính toán hiệu năng cao, tính toán đám mây, tính toán sương mù; xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy sử dụng các nền tảng nội địa, cơ chế liên kết và chia sẻ các hệ thống tính toán hiệu năng cao, tính toán đám mây, tính toán sương mù.
Chính phủ đã đề ra đến năm 2025 Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 60 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT, xây dựng được 05 thương hiệu TTNT có uy tín trong khu vực, phát triển được 01 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao.
Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng TTNT, hình thành được 02 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về TTNT; gia tăng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về TTNT và tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực TTNT ở Việt Nam, ứng dụng rộng rãi trong hành chính công, dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian xử lý công việc, nhân lực bộ máy, giảm thời gian chờ đợi và chi phí của người dân và đến năm 2030 Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT, xây dựng được 10 thương hiệu TTNT có uy tín trong khu vực. Phát triển được 03 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao; kết nối được các hệ thống trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán hiệu năng cao trong nước tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực dữ liệu lớn và tính toán phục vụ TTNT, có ít nhất 01 đại diện nằm trong bảng xếp hạng nhóm 20 cơ sở nghiên cứu và đào tạo về TTNT dẫn đầu trong khu vực ASEAN. Ứng dụng TTNT phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng an ninh, các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai và ứng phó sự cố, dịch bệnh, cùng với chuyển đổi số, ứng dụng TTNT góp phần thúc đẩy tăng trưởng một số ngành kinh tế.
Đặc biệt khuyến khích hình thành các tổ chức triển khai đào tạo ngắn hạn cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật và quản lý đáp ứng yêu cầu nghiên cứu và phát triển sản phẩm TTNT trong các tập đoàn, công ty và các đơn vị nghiên cứu; khuyến khích và thúc đẩy xây dựng một số chương trình đào tạo chứng chỉ ngắn hạn và trung hạn về TTNT và KHDL; triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn về tích hợp công nghệ TTNT và KHDL vào các thiết bị của bên thứ ba.
Cùng với hình thành các doanh nghiệp cung cấp giải pháp tích hợp dựa trên công nghệ TTNT, KHDL kết hợp với công nghệ blockchain, điện toán đám mây và Internet vạn vật; xây dựng cơ chế ưu đãi, triển khai công nghệ TTNT, KHDL thúc đẩy chuyển đổi số; xây dựng và cung cấp hạ tầng kỹ thuật, cung ứng dịch vụ TTNT, KHDL thúc đẩy chuyển đổi số, dịch vụ và ứng dụng TTNT hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của thị trường toàn cầu, đáp ứng nhu cầu của các thị trường logistics, thương mại điện tử và kinh tế số.
Nhất là thúc đẩy phát triển và triển khai các ứng dụng TTNT trong lĩnh vực đảm bảo an toàn dữ liệu, an toàn an ninh mạng; quản lý đô thị, quản lý xã hội và hành chính công; viễn thông; xây dựng chính sách, chương trình khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp CNTT phát triển nền tảng mở về dữ liệu và phần mềm phục vụ xây dựng ứng dụng TTNT; khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam tập trung nghiên cứu, làm chủ công nghệ, phát triển sản phẩm TTNT đặc thù của Việt Nam./.
Bùi Tuệ