Trung QuốcFan Kim Dung ở Tương Dương đốt nến, tưởng niệm dịp 100 năm ngày sinh tiểu thuyết gia.
Theo The Paper, rạng sáng 10/3, hội fan của nhà văn hẹn nhau tại thành cổ Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, thắp sáng khu di tích. Nến được đặt xung quanh tường, tạo hình số 100 và câu “Hiệp chi đại giả” (cụm từ trong tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp, chỉ đại hiệp, những người trượng nghĩa, ra tay vì lẽ phải).
Nhiều khán giả cho biết cảm động khi thấy khung cảnh ở thành phố. Các fan viết: “Người dân Tương Dương thật nghĩa khí với Kim Dung”, “Hồi nhỏ đọc truyện, tới đoạn bảo vệ thành cổ mà nhạt nhòa nước mắt”, “Võ lâm không còn minh chủ, nhưng tinh thần hiệp nghĩa của nhà văn còn sống mãi”, “Tôi biết đến Tương Dương nhờ truyện kiếm hiệp, gặp bạn đời của tôi ở đây”.
Thành Tương Dương xuất hiện nhiều lần trong các tác phẩm của Kim Dung. Nhiều khán giả cho biết nghĩ ngay tới tiểu thuyết kiếm hiệp khi nghe tên địa danh này. Trong Anh hùng xạ điêu, nhà văn nhắc đến Tương Dương hơn 260 lần, miêu tả các trận chiến bảo vệ thành. Trong Thần điêu đại hiệp, Tương Dương cũng là địa điểm then chốt, có vị trí quan trọng trong toàn bộ tiểu thuyết.
Theo Ifeng, tình tiết vợ chồng Quách Tĩnh – Hoàng Dung kiên quyết bảo vệ thành Tương Dương được miêu tả đặc sắc, giúp địa danh nổi tiếng trong và ngoài Trung Quốc. Dù vậy, sinh thời, Kim Dung chưa đến Tương Dương. Ông từng nói: “Tôi muốn đến nơi Quách Tương chào đời, nhưng đi tàu bất tiện, chưa đi được”.
Dịp 100 năm ngày sinh tiểu thuyết gia, nhiều nghệ sĩ như Lê Diệu Tường, Lưu Diệc Phi, Huỳnh Hiểu Minh, Lưu Đào, Ngô Khải Hoa ghi video tưởng nhớ và đánh giá cao tư tưởng của nhà văn. Trên trang cá nhân, Lý Nhược Đồng cho biết cô may mắn vì được khán giả nhớ đến qua các vai Tiểu Long Nữ và Vương Ngữ Yên, may mắn đó là do Kim Dung trao cho.
Lý Nhược Đồng viết: “Vương Ngữ Yên và Tiểu Long Nữ, một người nhu một người cương. Cảm tạ nhà văn sáng tạo những nhân vật đó. Nhờ từng hóa thân thành họ, ngoài đời, tôi dũng cảm đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc của mình, từ đó có cơ hội trở nên tốt hơn”.
Tiểu thuyết Kim Dung có sức hấp dẫn lớn với nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam. Trong cuốn tùy bút Kim Dung giữa đời tôi, nhà văn Vũ Đức Sao Biển từng viết: “Bút lực của Kim Dung rất hùng hậu. Mỗi tác phẩm là một bộ (thường trên 10 quyển, trung bình khỏang 500-600 trang một quyển). Về mặt trước tác, tác phẩm của ông đồ sộ hơn bất cứ nhà văn nào khác. Bút pháp của ông lôi cuốn, hấp dẫn người đọc một cách lạ lùng. Và hệ thống kiến thức của ông từ y học đến địa lý, lịch sử, võ thuật, tâm lý, bệnh học, tôn giáo hoàn chỉnh một cách vô song”.
Nghinh Xuân (theo The Paper)