Mỗi khi nhắc đến những gương mặt nổi bật của văn chương Mỹ Latinh, người ta vẫn thường nhớ đến bộ tứ văn nhân xuất hiện vào thập niên 1960, 1970 tạo được dấu ấn vô cùng khác biệt.
Họ là Gabriel García Márquez (Colombia), Mario Vargas Llosa (Peru), Carlos Fuentes (Mexico) và Julio Cortázar (Argentina).
Các nhà văn này chịu nhiều ảnh hưởng từ thế hệ trước – những người tiên phong cho phong cách hiện thực huyền ảo rồi sẽ trở thành một đặc trưng riêng nhưng lúc bấy giờ còn nhiều nghi ngại bởi sự chiếm lĩnh của dòng hiện thực. Hai trong số đó có thể kể đến J.L. Borges và Roberto Arlt.
Nhưng nếu Borges có được danh tiếng và sự ảnh hưởng đúng với những gì mà ông xứng đáng, thì Arlt lại chỉ có điều tương tự sau khi qua đời vì mất quá sớm.
Dấu ấn hiện thực
Bảy kẻ khùng điên là phần đầu tiên nằm trong bộ đôi ra mắt gần như liên tục và được coi là tác phẩm quan trọng bậc nhất của nhà văn này, góp phần giới thiệu một làn gió mới trong phong cách viết vào thời điểm đó.
Tác phẩm do Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn ấn hành, Trần Tiễn Cao Đăng dịch
Nó được vinh danh như nền móng của văn chương Argentina hiện đại và đã tiên đoán một cách chính xác tình hình đất nước chỉ vài năm sau với sự nổi dậy của chủ nghĩa phát xít và chế độ độc tài.
Câu chuyện xoay quanh nhân vật Erdosain và những hệ lụy của nỗi tuyệt vọng, khi việc ăn cắp 600 peso và 7 xu của công ty đường nơi y làm việc bỗng bị lộ ra. Trong khi đứng ngồi không yên trước tương lai phải ngồi khám lớn nếu không hoàn lại những gì đã lấy, thì Elsa - vợ y - lại quyết định bỏ theo người khác sau những tháng ngày không mấy hạnh phúc.
Trên những bước đi vô định ở thủ đô Buenos Aires mà không thể biết số phận rồi sẽ về đâu, y đã gặp được những kẻ "khùng điên" - từ tay dược sĩ Ergueta, cô gái phường vẫy Hipólita, tên ma cô Haffner cho đến một kẻ thường được gọi là Nhà Chiêm Tinh – người muốn dựng nên một Argentina mới dựa trên công nghiệp và ngành mại dâm.
Được viết vào thời mang tính bản lề của 2 trào lưu, chất hiện thực của cuốn tiểu thuyết hiện lên rõ nét ở nhiều nhân vật, nhất là khi họ lâm vào đường cùng với sự thất bại. Ở đó ta thấy được một thời kỳ mà giá trị con người trở thành rẻ rúng với sự thiếu thốn cũng như đói nghèo.
Một cách châm biếm, Arlt đã thành công trong việc khắc sâu được hiện thực này bởi những chọn lựa gần như không tưởng mà các nhân vật coi là cứu cánh. Đó là Hipólita sinh ra trong kiếp nghèo nàn của một con ở, và vì nghe người ta nói người phụ nữ muốn có thành công thì phải người tự do, nên cô đã hiến thân mình vào các ổ chứa để có khả năng thay đổi số phận.
Đó cũng là Ergueta vì thiếu niềm tin mà đã chăm chăm làm theo tình tiết ghi trong Kinh Thánh một cách rập khuôn để rồi nhận ra đời mình chẳng đâu vào đâu…
Không quá khó thấy dày đặc trong những trang văn của Arlt là sự tuyệt vọng để rồi bật lên câu hỏi mang tính hiện sinh "Ta sẽ làm chi đời ta?". Những nhân vật của Arlt tìm hoài tìm mãi một câu trả lời để rồi nhận ra không lý giải nào là hoàn hảo cả nếu họ bất động và để đời trôi. Họ chịu bi kịch từ nguyên nhân, đó có thể là ám ảnh bạo lực từ thời thơ ấu hoặc chính cảm giác về sự mông lung trong một cuộc đời gần như bế tắc.
Trong chính trạng thái đầy phức tạp ấy, họ bắt đầu bước vào âm mưu mà Nhà Chiêm Tinh giăng ra nhằm xây dựng một đất nước thông qua một cuộc cách mạng gần như không tưởng.
Mặt huyền ảo của nhân tính
Gắn liền với tính hiện thực luôn là nhân văn. Đó là đích đến của văn chương và Arlt cũng không ngoại lệ. Ta thấy điều đó hiện diện rõ nét ở cái nhìn cảm thông mà ông trao cho nhân vật.
Tác giả Roberto Arlt
Chẳng hạn Erdosain từ đầu đến cuối đã không ngừng chất vấn bản thân rằng có nên "khởi động" cuộc cách mạng ấy? Ta cũng thấy trong mắt y những thứ đẹp đẽ, từ khoảng trời xanh, tia nắng xiên khoai cho đến những trái lựu đỏ… trong chính nơi chốn mà sự hủy diệt đang được phôi thai. Điều đó cũng ở chi tiết y giúp gia đình Espilas nghèo khó bằng chính phát minh mạ đồng những bông hoa hồng dù tương lai ấy sẽ không đến đâu...
Thế nhưng hiện thực không thể đổi khác, kế hoạch nói trên vẫn phải thực hiện và vì nhân tính vẫn còn sót lại, nên họ như rơi vào thế lưỡng nan. Arlt đi rất sâu vào dằn vặt này và chính ở vùng biên giới của tính huyền ảo, ông đã thành công làm được điều đó.
Cụ thể, trong chi tiết mô tả Nhà Chiêm Tinh đêm trước thời khắc quyết định, ông đã dựng nên hai trục thời gian song song - một của tự nhiên và một gắn liền với hệ quy chiếu của nhân vật này để ta thấy được cảm xúc phân vân và cuộc đấu tranh của nội tâm y.
Chính Erdosain cũng đã trải qua cảm giác như thế, bởi khi miêu tả về sự tuyệt vọng của nhân vật này, Arlt dùng rất nhiều hình tượng kỳ ảo, từ giấc mơ đầy tính siêu thực cho đến việc giải cấu trúc của cơ thể người…, qua đó phản ánh được cuộc tranh chấp rất đỗi con người.
Vào đầu thập niên 1930, khi cuốn sách này ra mắt, yếu tố huyễn tưởng còn bị xem nhẹ. Khi đó không ít nhà phê bình cho rằng Arlt chỉ là một nhà văn hạng xoàng bởi không đủ khả năng để tả những gì nhân vật cảm nhận một cách hiện thực mà phải vay mượn đến tính huyền ảo.
Thế nhưng ngày nay khi cảm nhận nó, ta lại nhìn thấy tính huyễn tưởng ấy là cách chuẩn xác để tái tạo thế giới nội tâm đầy rẫy phức tạp của các nhân vật, từ đó tiên phong cho một giai đoạn vô cùng rực rỡ của châu lục này.
Roberto Arlt (1900 - 1942) là nhà văn, nhà báo nổi bật nhất của Argentina thế kỷ 20. Sinh ra ở Buenos Aires, ông lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn, điều này ảnh hưởng sâu sắc đến văn chương của ông. Năm 1942, ông qua đời sau cơn đột quỵ. Ông là tác giả của nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, vở kịch được đánh giá cao cũng như đứng mục cho nhiều tờ báo nổi tiếng của quê hương mình.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bay-ke-khung-dien-cuon-sach-quan-trong-cua-van-chuong-my-latinh-185250218094058788.htm
Bình luận (0)