Dạy thêm, nhìn từ góc độ giáo viên

Báo Thanh niênBáo Thanh niên20/02/2025

Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Huế, ra trường vào giữa thập niên 1980. Gần 10 năm dạy học, tôi chưa bao giờ có một tiết dạy thêm.


Vì sao có thời kỳ giáo viên ít dạy thêm?

Thời ấy tôi không dạy thêm là bởi nhiều lý do. Đi dạy học ở vùng cao của tỉnh Đắk Lắk, học sinh phần lớn là con em các gia đình đi kinh tế mới hoặc di dân tự do từ các tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Thái Bình, Cao Bằng… thì làm sao các em có tiền học thêm. Vả chăng, dù thầy cô có dạy thêm để nâng cao kiến thức để các em ung dung tự tin bước vào phòng thi, thì các em cũng không có thời gian để học thêm vì còn phải lao động phụ giúp gia đình.

Dạy thêm, nhìn từ góc độ giáo viên - Ảnh 1.

Việc dạy thêm học thêm hiện nay phải tuân theo theo quy định trong Thông tư 29

Về phía phụ huynh, nhiều gia đình lúc ấy xem như gửi con cái đến trường học, cũng là một giải pháp "kiếm chữ" để sau này khi vượt qua các kỳ thi, các em sẽ có cơ hội đổi đời. Thành ra, do điều kiện sống nên quan điểm của nhiều bậc phụ huynh cũng rất khác nhau: Thứ nhất, là có một số gia đình tập trung khuyên con cố gắng học, dành thời gian cho các em học hành ôn tập rất chỉn chu và luôn ươm khát vọng vươn lên; Thứ hai là một số gia đình gửi con đến trường để học theo kiểu "được chăng hay chớ", kiếm được chữ nào hay chữ ấy, "không thành công thì cũng thành nhân".

Trong số 14 sinh viên sư phạm ra trường lên vùng cao để dạy học ở ngôi trường ấy, chúng tôi thường bảo nhau nên dạy phụ đạo miễn phí, có khi dạy thành tiết trên lớp, có khi trao đổi bài học trước và sau giờ học. Cũng có thể nếu em nào cần, thì rủ nhau cùng một nhóm đến phòng tập thể của từng thầy cô giáo bộ môn hướng dẫn thêm. Thường đó là đề nghị của các giáo viên chủ nhiệm lớp muốn học sinh mình tiến bộ hơn, hoặc có thể là một vài em học sinh riêng lẻ chưa hiểu bài cần hỗ trợ thêm. Thời điểm phụ đạo ấy thường rơi vào mấy tháng trước kỳ thi cuối cấp. Điều an ủi lớn nhất là sau này khi về lại trường gặp mặt, hầu hết các em đều trưởng thành đúng nghĩa, chưa kể là một số trong đó thành đạt và phục vụ xã hội.

"Ân huệ' dạy các lớp cuối cấp

Sau nhiều năm dạy học ở cao nguyên, tôi chuyển về "dạy hợp đồng" ở một trường cấp 2 của tỉnh Đồng Nai. Do muốn về mà chuyển công tác không được, nên đành xin nghỉ theo chế độ thanh toán nghỉ việc một lần (mỗi năm phục vụ được trả một tháng lương cơ bản). Vậy là xem như làm lại từ đầu, nghĩa là đã xóa biên chế.

Có một điều cứ lăn tăn là chẳng ai phân tách được kết quả ấy là do học thêm hay do học chính khóa, bởi kiến thức trong mỗi bài dạy thêm cũng chẳng khác gì khuôn mẫu trong mỗi giờ học chính khóa, đã được sách giáo khoa, sách tham khảo, sách hướng dẫn bài giải ấn định. Mà mỗi bộ đề của các kỳ thi hầu như đều không "lọt" ra ngoài kiến thức cơ bản ấy.

Lúc này, tôi mới biết ý nghĩa cạnh tranh của việc dạy thêm trong nhà trường ra sao. Một tổ văn có 4 người, thì có một người dạy 4 lớp cuối cấp (là lớp 9), xem như "ấm thân", vì hầu như em nào cũng phải học thêm ngoài giờ, để chạy đua với kỳ thi vào lớp 10. Tương tự, các tổ khác như toán, Anh văn cũng như vậy. Thử tính, mỗi lớp 40 em, mỗi em 1 tháng là 20.000 đồng thời điểm các năm cuối thập niên 1990, nhân lên với khoảng 160 em thì nhiều biết chừng nào.

Do còn nhiều cơ cực, tôi đành phải mỗi ngày 4 giờ sáng đạp xe ra chợ Long Khánh mua đủ thứ (trái cây, mía cây, bánh kẹo…) về bỏ mối cho các quán dọc Quốc lộ 1A để kiếm tiền mua sữa cho con. Mỗi vòng xe quay trong đêm lúc trời chưa rạng, tôi lại ao ước được… san sớt 1, 2 lớp để mình dạy thêm cho bớt cực nhọc. Đó là một mơ ước có thật với bài toán cơm áo gạo tiền khó có lời giải.

Dạy thêm, nhìn từ góc độ giáo viên - Ảnh 2.

Học sinh học thêm tại một trung tâm văn hóa ngoài giờ ở Q.5, TP.HCM tối 19.2, vài ngày sau khi Thông tư 29 về dạy thêm học thêm có hiệu lực

Ở một khía cạnh khác, tôi từng dự một vài tiết hoặc lúc đi ngang nghe bài giảng của thầy giáo nhận được "ân huệ' dạy các lớp cuối cấp ấy, cũng chẳng chất lượng bao nhiêu. So ra thì mình có thể dạy tốt hơn nhiều, song chẳng thể chen vào được, vì với "thân phận dạy hợp đồng", chẳng có vị thế, tiếng nói gì trong guồng máy chung của một hội đồng giáo viên mà ai cũng là người biên chế, luôn "dành" cho nhau những cơ hội tốt nhất, nếu không muốn nói là giành giật, chèn ép, cạnh tranh nhau để được dạy thêm.

Tôi cũng chẳng biết là các môn thường được các thầy cô dạy thêm ấy đã nâng cao chất lượng tri thức của các em bao nhiêu trong mỗi kỳ thi. Chỉ biết công nhận một điều chắc chắn rằng, kết quả các kỳ thi mà các em nhận được đều khả quan. Hầu như số điểm của các em học kiểu "làng nhàng" cũng "qua truông" được, chỉ có một số ít quá tệ là thi rớt. Nhưng, có một điều cứ lăn tăn là chẳng ai phân tách được kết quả ấy là do học thêm hay do học chính khóa, bởi kiến thức trong mỗi bài dạy thêm cũng chẳng khác gì khuôn mẫu trong mỗi giờ học chính khóa, đã được sách giáo khoa, sách tham khảo, sách hướng dẫn bài giải ấn định. Mà mỗi bộ đề của các kỳ thi hầu như đều không "lọt" ra ngoài kiến thức cơ bản ấy.

"Phần gốc" vấn đề dạy thêm của giáo viên nằm ở đâu?

Chính vì vậy, khi tiếp nhận và đọc những quy định cấm dạy thêm hoặc nếu dạy thêm thì phải đăng ký hộ kinh doanh hoặc thành lập doanh nghiệp, tôi lại rút ra nhiều điều từ suy nghĩ nhiều ngày của mình.

Đó là, quy định ấy có phải là phần gốc của vấn đề hay chỉ là phần ngọn? Quy định nhằm để đối phó với hiện trạng một bộ phận giáo viên "dành kiến thức trên lớp để dạy ở nhà", "chèn ép học sinh bằng muôn cách để các em phải học thêm", hay hướng đến một nền giáo dục mà bậc phụ huynh nào cũng mong ước cho con em mình? Đó là một nền giáo dục dạy cách làm người, kỹ năng mềm ứng phó với cuộc sống và tiến đến dạy cách sống, thái độ sống, kích thích sáng tạo và trang bị tri thức theo ý nghĩa nhằm để sau này các em tự nuôi sống bản thân, gia đình và đem tâm sức ra cống hiến, phụng sự xã hội.



Nguồn: https://thanhnien.vn/day-them-nhin-tu-goc-do-giao-vien-185250220183336431.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Bộ phim gây chấn động thế giới công bố lịch chiếu tại Việt Nam
Rực rỡ cây lá đỏ ở Lâm Đồng, du khách hiếu kỳ đi trăm km tới check-in
Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam

No videos available