Với mục tiêu xây dựng Việt Nam "thông minh hơn, sáng tạo hơn và thịnh vượng hơn", Diễn đàn Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam toàn cầu 2025 đã chính thức khai mạc chiều ngày 20/2 tại Google châu Á - Thái Bình Dương (Singapore).

Tham gia sự kiện có sự góp mặt của 100 nhà đổi mới sáng tạo xuất sắc người Việt và gốc Việt từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của ông Trần Phước Anh, Đại sứ Việt Nam tại Singapore, GS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE, PGS Vũ Minh Khương, Trường chính sách công Lý Quang Diệu...

Kết nối tạo ra sức mạnh tập thể

Phát biểu khai mạc sự kiện, Giáo sư Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE Global nhấn mạnh đến vai trò của sự kết nối trong đổi mới sáng tạo: "Trong bối cảnh công nghệ đang thay đổi nhanh chóng, cần thiết phải có sự kết nối, hội tụ trí tuệ tập thể để tạo ra sức mạnh chung, cùng nhau sáng tạo ra những giá trị cho Việt Nam".

IMG_6535.jpg
GS Nguyễn Đức Khương, chủ tịch AVSE Global tại phiên khai mạc VGIC 2025. Ảnh: Mạnh Chung

Nội dung chính của Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Việt Nam toàn cầu (VGIC 2025) xoay quay ba chủ đề chính: trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn và công nghệ tài chính (fintech). Theo Giáo sư Nguyễn Đức Khương, đây cũng chính là các động lực tăng trưởng mới của Việt Nam trong tương lai.

Theo ông Trần Phước Anh, Đại sứ Việt Nam tại Singapore, chỉ dựa vào đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ (KHCN), Việt Nam mới có thể bắt kịp và phát triển cùng với thế giới. Trong đó, đổi mới sáng tạo "cần sự táo bạo với những giấc mơ lớn và cách nghĩ thoát khỏi khuôn khổ thông thường".

Đại sứ cũng nhận định, Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Việt Nam toàn cầu 2025 tổ chức tại Singapore diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương giữa hai nước chưa bao giờ tốt đẹp và toàn diện như hiện nay trên mọi lĩnh vực từ văn hóa, đầu tư... Diễn đàn đã cho thấy sự phát triển của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, hứa hẹn sẽ tiếp tục được nâng tầm trong thời gian tới.

3 sssss2.png
Đại sứ Việt Nam tại Singapore Trần Phước Anh phát biểu tại VGIC 2025. Ảnh: Vinh Ngô

Trong khuôn khổ sự kiện, Phó Giáo sư Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore cũng đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm của Singapore, từ một thương cảng đã trở thành "tâm điểm" đổi mới sáng tạo hình mẫu cho nhiều quốc gia học tập và noi theo.

Theo đó, quốc đảo này đã biến đổi mới sáng tạo trở thành "hồn cốt" với cách tiếp cận căn cơ và toàn diện.

Tiếp đến, Singapore đã làm tốt nhiệm vụ "đứng trên vai người khổng lồ", khi tiếp thu chọn lọc những tinh hoa của thế giới, từ tàu điện ngầm cho đến áp dụng những sáng kiến về giáo dục. Với hạn chế về mặt tài nguyên, diện tích, Singapore  đã xác định những thách thức cũng chính là cơ hội để tạo ra sức mạnh dân tộc, cộng đồng. Chẳng hạn, để giải quyết bài toán thiết hụt tài nguyên, quốc đảo lựa chọn chú trọng đầu tư cho giáo dục và tập trung vào yếu tố con người. Trong khi đó, diện tích nhỏ khiến vai trò quy hoạch kiến trúc càng trở nên quan trọng.

Ngoài ra, Phó Giáo sư Vũ Minh Khương cũng nhấn mạnh đến yếu tố "sinh tồn quốc gia", "vươn lên để sống còn", dựa trên nền tảng cơ bản là sự kết nối, đoàn kết và tư duy suy nghĩ khác biệt được lan tỏa ngay từ những thế hệ trẻ. 

15vgic 25.png
Phó Giáo sư Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Singapore. Ảnh: Vinh Ngô

Đào tạo nhân lực công nghệ bằng những bài toán cụ thể

Bên lề Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Việt Nam toàn cầu 2025, sáng ngày 20/2, các diễn giả, khách mời đã có buổi tham quan Viện Kỹ thuật Giáo dục Singapore (ITE). Theo ông Lim Boon Tiong, giám đốc vận hành nhà trường, ITE là một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu tại quốc đảo, cung cấp nguồn lao động chất lượng cao cho các công ty địa phương và tập đoàn quốc tế tại đây.

IMG_3963.jpg
Chương trình đào tạo của ITE chú trọng đáp ứng nhu cầu cụ thể từ doanh nghiệp. Ảnh: Vinh Ngô

Các chương trình đào tạo của ITE được xây dựng dựa trên những bài toán cụ thể gắn liền với đời sống hàng ngày như lắp ráp máy pha cafe, dự án toilet thông minh tiết kiệm nước... Để giúp sinh viên nhanh chóng làm quen với công nghệ, ITE đã xây dựng các phòng thí nghiệm được trang bị những thiết bị tiên tiến trong ngành. Tiếp đó, người học được làm quen bằng các thiết bị thực tế ảo (VR), trước khi thao tác trực tiếp trong phòng lab.

IMG_3969.jpg
Sau khi "làm quen" qua công nghệ thực tế ảo, sinh viên sẽ được trực tiếp vận hành các hệ thống máy tiên tiến. Ảnh: Vinh Ngô

Đại diện ITE khẳng định, các cơ sở giáo dục tại Singapore lấy tiêu chí đáp ứng yêu cầu từ những công ty sử dụng lao động, là yếu tố hàng đầu để xây dựng chương trình đào tạo. Cụ thể, ITE thường xuyên gặp gỡ, thảo luận với các doanh nghiệp nói chung và công ty công nghệ nói riêng tại Singapore để nắm bắt nhu cầu và vấn đề doanh nghiệp đang gặp phải, từ đó "điều chỉnh" các nội dung đào tạo cho phù hợp thực tế. Những sinh viên xuất sắc của trường thường xuyên được gửi đến làm việc tại các công ty trong ngành để tích lũy kinh nghiệm và hỗ trợ doanh nghiệp trong xử lý các bài toán đặc thù.

VGIC 2025: Kết nối nhân tài Việt toàn cầu, khai phá tương lai công nghệ100 nhân tài người Việt và gốc Việt sẽ quy tụ cùng thảo luận những vấn đề chiến lược của Việt Nam tại Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Việt Nam Toàn cầu diễn ra từ ngày 20 - 22/2 tại Trụ sở Google châu Á – Thái Bình Dương (Singapore).