Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là một trong những chính sách, cơ chế đột phá vừa được Quốc hội thông qua.
Chấp nhận rủi ro để có đột phá về khoa học công nghệ
Trong quá trình thúc đẩy hệ sinh thái khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, xuất hiện không ít vấn đề vướng mắc do các cơ chế, chính sách chưa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn.
Chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết ngành TT&TT năm 2024, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel cho biết, vướng mắc lớn nhất của việc tiếp cận và mua các bí mật công nghệ là đánh giá và xác định giá trị, do đây là các công nghệ đặc thù, độc quyền và rất khó tham chiếu, so sánh.
Điều mà Viettel cũng như nhiều doanh nghiệp mong muốn là có cơ chế thí điểm, chính sách miễn trừ để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. Đồng thời, Việt Nam cần triển khai cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua các bí mật công nghệ, công nghệ tiên tiến của nước ngoài.
Các hoạt động đầu tư mạo hiểm luôn có độ rủi ro cao, tỷ lệ thành công thấp. Tuy nhiên nếu thành công, kết quả đầu ra sẽ có lợi nhuận lớn, bù đắp được chi phí bỏ ra, thúc đẩy phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới.
Để thúc đẩy việc phát triển đột phá khoa học công nghệ, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên trên thực tiễn, các công ty công nghệ lớn thường đề xuất những chính sách ưu đãi chưa có tiền lệ tại Việt Nam nhưng đã có tại nhiều quốc gia khác. Ví dụ như Samsung khi đặt nhà máy sản xuất chip tại Mỹ được Chính phủ Mỹ tài trợ hơn 6 tỷ USD…
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần có những cơ chế chính sách trong việc hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới để phát triển khoa học công nghệ, chấp nhận từ bỏ một số lợi ích ngắn hạn để hướng tới các lợi ích lâu dài.
Trong một cuộc mạn đàm gần đây, khi nói về những vướng mắc liên quan đến câu chuyện chính sách phát triển khoa học công nghệ, PGS. TS Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam cho hay, tại Việt Nam, khi sử dụng mã nguồn mở để phát triển AI, chỉ cần xử lý những bài toán tương đối lớn một chút là sẽ gặp ngay vấn đề liên quan tới hạ tầng.
"Chi phí để đi thuê hạ tầng rất lớn. Nhiều trung tâm của nhà nước được đầu tư để làm hạ tầng AI, nhưng lại không cho thuê được hoặc thậm chí không có tiền trả tiền điện do vướng vấn đề cơ chế", ông Hoài nêu dẫn chứng.
Để giải quyết các tồn tại, “cởi trói” cho các nhà khoa học Việt Nam, mới đây Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của Nghị quyết là Việt Nam sẽ chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Theo đó, tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước. Tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, thực hiện đầy đủ các quy định, quy trình nghiên cứu, nội dung thuyết minh nhưng không đi đến kết quả như dự kiến sẽ không phải trả lại kinh phí đã sử dụng.
Tổ chức khoa học và công nghệ công lập cũng được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở mức độ cao nhất, chủ động sử dụng các nguồn tài chính và chủ động tuyển dụng, xác định tổ chức bộ máy, số lượng người làm việc. Các tổ chức này được phép quản trị theo mô hình doanh nghiệp, tự chủ đăng ký kinh doanh, thực hiện liên doanh, liên kết để ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Tổ chức khoa học và công nghệ công lập được thành lập hoặc tham gia thành lập, góp vốn vào doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do chính đơn vị đó sở hữu. Người làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập được tham gia góp vốn, quản lý, điều hành và làm việc tại doanh nghiệp thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức đó tạo ra.
Chủ trương từ Nghị quyết 57 được thể chế hóa kịp thời
Theo tờ trình của Chính phủ gửi đến Quốc hội, một trong những cơ sở chính trị quan trọng của Nghị quyết về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là Nghị quyết số 57-NQ/TW (Nghị quyết 57) do Bộ Chính trị ban hành.
Việc xây dựng Nghị quyết về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 57 vào thực tiễn.
Đánh giá về các cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro cho nghiên cứu khoa học trong Nghị quyết 57, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho hay, Bộ Chính trị đã đưa ra những quan điểm chỉ đạo mới để huy động, tháo gỡ, giải phóng sức sáng tạo.
Điều này thể hiện qua việc đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là đầu tư lâu dài, có rủi ro. Có rủi ro mới tạo ra được những kết quả đột phá, sáng tạo, mang lại lợi ích cao.
Ví dụ như việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh các cơ chế, chính sách, giao các đơn vị chủ trì quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ sở hữu kết quả nghiên cứu, từ đó tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, phát triển tiếp và ứng dụng ra cuộc sống.
Theo PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN), trước đây chúng ta luôn nói khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu. Điều đó đã được thể hiện rõ ràng nhất thông qua Nghị quyết 57.
PGS.TS Vũ Văn Tích cho rằng, Nghị quyết 57 là cuộc cách mạng về thể chế cho khoa học công nghệ Việt Nam, khẳng định một cách vững chắc mô hình phát triển của Việt Nam sẽ dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Việc thể chế hóa nhanh chóng Nghị quyết 57 sẽ góp phần tạo bước ngoặt giúp Việt Nam vươn mình trở thành nước phát triển với thu nhập cao vào năm 2045.
“Chúng ta có thể học hỏi mô hình của các quốc gia Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Đó là những nơi phát triển dựa vào khoa học công nghệ rất rõ. Đi cùng với đó là hệ thống giải quyết các tắc nghẽn thể chế thông qua ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là chuyển đổi số”, PGS. TS Vũ Văn Tích nêu quan điểm.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/co-che-dot-pha-giup-coi-troi-cho-cac-nha-khoa-hoc-viet-nam-2373239.html
Bình luận (0)