Có nên luật hóa ưu tiên tuyển dụng lao động trung niên?

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ20/02/2025

Trước làn sóng nhiều doanh nghiệp sa thải lao động đứng tuổi, có nên luật hóa việc tuyển dụng lao động trung niên trong thời gian tới, thay vì để các doanh nghiệp 'tùy hỷ' thực hiện?


Luật hóa việc tuyển dụng lao động trung niên, có nên không? - Ảnh 1.

Có không ít người lớn tuổi chọn công việc giao hàng để mưu sinh - Ảnh minh họa: Q.ĐỊNH

Thời gian gần đây, trước thông tin về những đợt sa thải nhân sự tại một số doanh nghiệp, ngân hàng, hầu như ngày nào tôi cũng đọc được ít nhất một câu chuyện, một chia sẻ, tâm sự về tình trạng khó xin việc làm của những lao động trung niên. 

Thậm chí có cả câu chuyện của những người chỉ mới 30-31 tuổi. 

Lao động trung niên bị sa thải tăng mạnh

Dù mất việc với lý do nào, xin việc làm ở độ tuổi này thật sự không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là có vô vàn khó khăn chờ đợi.

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, tính riêng trong năm 2024, số người trên 40 tuổi được nhận trợ cấp thất nghiệp chiếm hơn 28% tổng số trường hợp. 

Còn Tổng cục Thống kê cho biết nhóm lao động trung niên (trên 40 tuổi) bị sa thải thời gian qua có chiều hướng tăng mạnh. 

Nhìn ở khía cạnh tổng quát, điều này có thể đến từ áp lực cạnh tranh ngày càng lớn của lực lượng lao động trẻ hơn, khi gen Z ngày càng tham gia sâu rộng vào thị trường lao động với nhiều kiến thức, kỹ năng mới, cũng như năng suất cao hơn, phù hợp hơn với sự thay đổi của khoa học, công nghệ. 

Đó là chưa kể lao động mới gia nhập thị trường thường có chi phí thấp hơn lao động có thâm niên, doanh nghiệp sẽ tiết giảm được một khoản chi phí không nhỏ. 

Việc một thế hệ này thay thế một thế hệ khác trong cơ cấu lao động cũng không phải là việc gì đó quá bất thường.

Bản thân người lao động tuổi trung niên cũng nên tìm hiểu nhu cầu của thị trường, đôi khi chấp nhận một vị trí, hoặc mức thu nhập không như mong muốn. 

Một người bạn của tôi nằm trong diện cắt giảm nhân sự, cả bộ phận bị giải tán do công ty thu hẹp quy mô. Ròng rã gần 8 tháng, bạn mới có việc mới. 

Thời gian đầu, bạn liên tục bị từ chối. Chỗ chỉ cần người ít kinh nghiệm, chỗ bạn chê, nói là vị trí thấp hơn vị trí cũ, hoặc  bạn muốn lương phải cao hơn chỗ cũ. 

Sau một thời gian, cuối cùng thì bạn chấp nhận một vị trí tương đương, ở một công ty quy mô nhỏ hơn, với mức lương thấp hơn trước đây, nhưng lại vui vì vừa có việc làm, lại vào làm việc ở một nơi có môi trường tốt.

Luật hóa ưu tiên việc làm cho lao động trung niên?

Lao động độ tuổi trung niên, nhìn từ một khía cạnh khác, thường có sự chỉn chu, nghiêm túc, và đặc biệt là kinh nghiệm dày dặn khi xử lý các tình huống khó. 

Để tận dụng điều này, vừa không làm giảm sự cạnh tranh của nền kinh tế, lại tạo điều kiện cho lao động ở tất cả các độ tuổi có thể tham gia cống hiến, một số quốc gia trên thế giới đã luật hóa các quy định về việc tuyển dụng, tái tuyển dụng lao động cao tuổi, còn đủ điều kiện sức khỏe. 

Đồng thời có hẳn các danh mục việc làm ưu tiên cho người từ độ tuổi trung niên. 

Nhờ vậy, người lao động vẫn có thể tạo ra giá trị thặng dư cho nền kinh tế, kiếm thu nhập nuôi bản thân và gia đình, giảm sự phụ thuộc vào các quỹ trợ cấp của chính phủ. 

Điều này cũng đặt ra câu hỏi liệu Việt Nam chúng ta có nên luật hóa việc tuyển dụng người lao động đứng tuổi trong thời gian tới, thay vì để các doanh nghiệp "tùy hỷ" thực hiện?

Trong khi đó thay vì ngồi chờ bị đào thải, bản thân tôi là một người lao động đang ở lứa U50 và có một vị trí tương đối tốt trong một doanh nghiệp nước ngoài đã thường xuyên tự "cập nhật" bản thân, xem như tự tăng tính cạnh tranh của chính mình trên thị trường lao động. 

Tôi thường xuyên tìm hiểu những kiến thức mới, trào lưu mới, thậm chí hễ thấy cái gì lạ, chưa biết, tôi sẽ ngay lập tức nhờ các đồng nghiệp trẻ hướng dẫn thêm, hoặc tự tìm hiểu trên mạng. 

Việc học, nhất là trong thời đại thông tin, công nghệ thay đổi mỗi ngày mỗi giờ chưa bao giờ là đủ cả. Vậy nên, tôi cũng hay khuyên các bạn đồng trang lứa hãy bỏ sự ngại ngùng qua một bên. 

Sếp trực tiếp hiện tại của tôi là một bạn trẻ hơn tôi khoảng 10 tuổi, và tôi chẳng hề phiền lòng vì việc này. Đồng nghiệp trẻ hơn không có nghĩa là họ thua kém mình, trái lại có nhiều điểm để mình học hỏi.

Bên cạnh đó, với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động, ngoài chuyện không ngừng làm mới mình, mở mang kiến thức, tôi cũng luôn chuẩn bị sẵn tinh thần một lúc nào đó mình sẽ nhường lại vị trí cho người khác, thậm chí là bị thay thế bởi một người khác. 

Áp lực kinh tế rất lớn với độ tuổi mà nhiều người hay đùa là "thế hệ bánh mì kẹp", vừa phải lo cho cha mẹ già, vừa phải tạo vạch xuất phát cho con cái. Vậy nên hãy luôn có sự chuẩn bị về tinh thần và không ngại bắt tay làm mới mình từ những chuyện nhỏ nhất.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề


Nguồn: https://tuoitre.vn/co-nen-luat-hoa-uu-tien-tuyen-dung-lao-dong-trung-nien-20250219151003147.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Bộ phim gây chấn động thế giới công bố lịch chiếu tại Việt Nam
Rực rỡ cây lá đỏ ở Lâm Đồng, du khách hiếu kỳ đi trăm km tới check-in
Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam

No videos available