QUY MÔ QUỐC GIA VÀ QUỐC TẾ
Ngày 29.6 tới đây, Ngày hội đạp xe Vì hòa bình do UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Báo Thanh Niên tổ chức sẽ khai hội tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, mở đầu cho chuỗi sự kiện Lễ hội Vì hòa bình lần đầu được tổ chức với quy mô quốc gia và quốc tế tại đất thiêng Quảng Trị. Có 2 sự kiện chính được đặc biệt quan tâm của ngày hội, gồm sự kiện đạp xe diễu hành ngày 29.6 (hiện đã có 600 người đăng ký tham gia, gồm VĐV, người dân, đoàn viên, thanh niên, học sinh…) và giải đua xe tại Thành cổ Quảng Trị ngày 30.6 (đã có 391 VĐV đăng ký tham gia). Những ngày này, Ban tổ chức đang gấp rút hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để sẵn sàng đón các VĐV, những người yêu chuộng đạp xe thể thao, yêu chuộng hòa bình về với Quảng Trị.
Nói như nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, dù là một sự kiện thể dục – thể thao nhưng Ngày hội đạp xe Vì hòa bình có giá trị nhiều hơn một cuộc đua. Bởi ngoài khuyến khích phong trào tập luyện môn xe đạp, Ban tổ chức còn mong Ngày hội đạp xe Vì hòa bình sẽ góp phần tôn vinh giá trị của hòa bình, tưởng niệm, tri ân, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, văn hóa, vùng đất, con người Quảng Trị với nhân dân cả nước và nước ngoài.
Teaser Ngày hội đạp xe Vì hòa bình
TRUYỀN ĐI KHÁT VỌNG HÒA BÌNH
Với những kỳ vọng đó, khi những vòng xe của sự kiện đạp xe diễu hành lăn bánh trong sáng 29.6, cũng là lúc những ý tưởng, những thông điệp hòa bình mà Ban tổ chức muốn chuyển tải sẽ được lồng ghép, thể hiện qua từng điểm đến, từng hoạt động tại các điểm đến.
Với Vĩ tuyến 17 – cầu Hiền Lương – sông Bến Hải, biểu tượng khắc ghi nỗi đau chia cắt đất nước đằng đẵng suốt 21 năm (1954 – 1975), đây không chỉ là điểm đến tri ân mà còn là hiện thân, nơi hội tụ của khát vọng hòa bình, thống nhất non sông. Nơi đây xứng đáng là điểm mở đầu cho Ngày hội đạp xe Vì hòa bình. Theo “bật mí” của Ban tổ chức, đoàn diễu hành sẽ đi qua cầu Hiền Lương (cũ) sau màn thả bóng bay, thả chim bồ câu mang tính biểu tượng. Tiếp đó, đoàn sẽ đạp xe diễu hành từ đây đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (H.Gio Linh) và kết thúc tại Công viên Fidel (TP.Đông Hà). Tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, đoàn sẽ thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ, tặng quà các gia đình có công với cách mạng và học sinh hoàn cảnh khó khăn.
Tại Công viên Fidel, VĐV và các đại biểu sẽ ký tên, viết thông điệp lên lá cờ biểu tượng của lễ hội. Lá cờ rộng 54 m2 đại diện cho 54 dân tộc anh em Việt Nam, có những họa tiết hình tượng chủ đạo là chim bồ câu ngậm bông lúa thể hiện khát vọng hòa bình, ấm no và hạnh phúc; cùng với dải lụa đa sắc: đỏ và vàng (tượng trưng cho cờ Tổ quốc), màu đỏ cũng là màu máu của các anh hùng liệt sĩ đã xả thân cho hòa bình hôm nay, màu xanh là màu của hòa bình, của sự sống hồi sinh và phát triển. Lá cờ này sẽ được gửi lên Ủy ban Quốc gia UNESCO, như một thông điệp của những người yêu chuộng hòa bình.
Ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, kỳ vọng: “Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã chứng minh điều đó. Hơn ai hết, dân tộc Việt Nam nhận rõ giá trị của hòa bình. Vậy nên, chúng tôi mong muốn mỗi người có mặt trong sự kiện Ngày hội đạp xe Vì hòa bình sẽ là một sứ giả vì hòa bình, truyền khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam nói chung và người dân Quảng Trị nói riêng trong các cuộc đấu tranh vì nền hòa bình; xây dựng thông điệp hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.
Cũng theo ông Nam, để Ngày hội đạp xe Vì hòa bình thành công và xứng tầm với vị thế, ý nghĩa đã đề ra, các lực lượng tham gia chuẩn bị chu đáo, tổ chức chặt chẽ, hiệu quả, ý nghĩa các hoạt động tri ân. Qua đó, tiếp tục truyền thêm ngọn lửa anh hùng cách mạng, khích lệ thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ phấn đấu đạt nhiều kết quả cao hơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đạp xe Vì hòa bình: Người Quảng Trị tự hào được so tài cùng bạn bè quốc tế
Nguồn: https://thanhnien.vn/cuoc-dieu-hanh-cua-nhung-su-gia-vi-hoa-binh-18524062623043513.htm