Lừa đảo đăng ký học kỳ công an miễn phí
Cục An toàn thông tin cho biết thời gian gần đây, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện trên trang mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều trang đăng tin giới thiệu sẽ tổ chức chương trình trại hè cho học sinh trên địa bàn.
Quy mô của tổ chức lừa đảo này đang có dấu hiệu lan rộng ra khắp các tỉnh thành trên toàn quốc.
Các đối tượng lừa đảo tạo tài khoản trên mạng xã hội Facebook như: Trại hè kỹ năng – Học kỳ CAND, Trại hè học kỳ quân đội, Trại hè hướng nghiệp hàng không…với giao diện, địa chỉ, số điện thoại giống với thông tin của các cơ quan công an, quân đội, hãng hàng không…
Đồng thời sử dụng các hình ảnh của công an, quân đội, nhân viên hàng không để mạo danh cơ quan chức năng và đăng các nội dung như:
“Phụ huynh liên hệ cho con em tham gia trại hè 2024 để có trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp và nhận khuyến mãi hấp dẫn…”. Sau đó gửi các tiêu chí tham gia ứng tuyển, mã ứng viên và dẫn dắt nạn nhân trao đổi qua mạng xã hội Zalo của “chuyên viên”.
Các đối tượng lừa đảo tư vấn các em sẽ được miễn phí, bao ăn, bao ở. Đổi lại, học viên tham gia phải tập đặt thử vé máy bay trực tuyến và được hoàn lại tiền, hoặc đặt cọc trước một khoản tiền từ 5 triệu đến 10 triệu để đăng ký.
Ban đầu, giá vé máy bay nội địa là vài triệu đồng, sau đó là vé quốc tế với số tiền vài chục triệu đồng.
Do tin tưởng nội dung các trang Facebook trên là đúng sự thật, nhiều người dân đã chuyển tiền để đăng ký cho con em mình tham gia. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền xong thì đối tượng chiếm đoạt và chặn liên lạc.
Giả danh Thanh tra Sở Y tế lừa đảo bán thuốc xương khớp
Mới đây, Công an TP Hà Nội cho biết Cơ quan CSĐT Công an TP đang điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức gọi điện thoại cho người mắc bệnh xương khớp tư vấn và bán thuốc điều trị.
Tại đây, các đối tượng giả danh là Thanh tra Sở Y tế thăm hỏi tình hình sức khỏe người bệnh, các loại thuốc đã dùng, sau đó mời mua thuốc Calcium, Phục Cốt Đơn của Nhà chùa Long Hương hoặc Trung tâm hỗ trợ sức khỏe với giá từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng/1 đơn thuốc (từ 1 – 3 hộp thuốc trên), kèm theo Thẻ bảo hành với mã bảo hành 110299.
Trên thẻ bảo hành ngoài cung cấp mã bảo hành, đối tượng còn cung cấp nội dung như: “THẺ BẢO HÀNH Vì sức khỏe người Việt”, hứa hoàn 50.000.000 đồng nếu khách hàng phát hiện trong sản phẩm có CHẤT GÂY HẠI.
Ngoài ra, tại mặt sau (màu trắng) sẽ điền thông tin khách hàng sở hữu thẻ cùng với cam kết cải thiện 90% bệnh lý nếu không nhà thuốc sẽ hỗ trợ miễn phí đến khi dứt điểm, khỏi hẳn bệnh; hoàn tới 80% chi phí điều trị nếu bệnh lý không cải thiện.
Đối tượng chuyển thuốc cho người bệnh qua dịch vụ EMS Việt Nam hoặc Viettel Post, nhờ thu tiền hộ qua nhân viên giao hàng.
Sau đó, đối tượng lừa người bệnh tham gia chương trình lập sổ hỗ trợ thăm khám bệnh miễn phí tại các Bệnh viện Trung ương hoặc sẽ được hỗ trợ một lần với số tiền từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, với điều kiện phải nộp tiền phí lập sổ hoặc tiền thuế giá trị gia tăng vào tài khoản của đối tượng lừa đảo.
Hàng loạt các kênh mạng xã hội của người nổi tiếng bị hacker tấn công
Cục An toàn thông tin cũng xác định gần đây, hàng loạt các kênh mạng xã hội của nghệ sĩ, người nổi tiếng, nhà sáng tạo nội dung bị hacker tấn công.
Cụ thể, kênh YouTube MixiGaming (Phùng Thanh Độ) đã bị tấn công chiếm quyền điều khiển. Hacker sau đó đã ẩn hết nội dung video và dùng kênh này để livestream nội dung quảng cáo tiền mã hóa.
Ngoài ra, kênh YouTube Quang Linh Vlogs cũng bất ngờ đổi tên thành một loại tiền số khiến cộng đồng mạng cảm thấy hoài nghi.
Trên trang Facebook Phạm Quang Linh có dấu tích xanh, xuất hiện bài đăng thông báo việc ba tài khoản YouTube thuộc hệ thống kênh của Quang Linh Vlogs đã bị hack.
Hiện tại, kênh YouTube MixiGaming của Phùng Thanh Độ đã khôi phục được trở lại sau hai lần bị hacker tấn công chiếm quyền điều khiển.
Việc hacker chiếm đoạt quyền điều khiển của tài khoản mạng xã hội của người nổi tiếng có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Điển hình như truy cập vào thông tin cá nhân để sử dụng vào mục đích lừa đảo hoặc gây ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín và quyền riêng tư của họ.
Đối tượng cũng có thể sử dụng tài khoản để gửi tin nhắn lừa đảo hoặc các liên kết độc hại đến danh sách bạn bè của người nổi tiếng.