Theo Bloomberg, Tenstorrent là công ty được dẫn dắt bởi huyền thoại ngành bán dẫn và cũng là bậc thầy chip Jim Keller. Tenstorrent thông báo họ đã được cấp phép thiết kế một phần máy gia tốc AI, trong khi công ty của Nhật Bản sẽ thiết kế toàn bộ con chip AI.
Rapidus là công ty được thành lập cách nay 18 tháng bởi một nhóm nhà đầu tư với mục tiêu thiết lập dây chuyền sản xuất chip 2nm tại Nhật Bản vào năm 2027. Điều này cho phép công ty trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất lớn như TSMC và Samsung, mặc dù Rapidus vẫn chưa có khách hàng. Đối tác công nghệ của Rapidus là tập đoàn IBM (Mỹ), Trung tâm nghiên cứu Imec (Bỉ) và Viện Leti (Pháp).
Chính phủ Nhật Bản được cho là đang tài trợ cho một loạt dự án từ nghiên cứu đến sản xuất chip AI tiên tiến, với kế hoạch đầu tư 67 tỉ USD để lấy lại vị thế cốt lõi trong ngành bán dẫn. Thỏa thuận hợp tác với Tenstorrent sẽ giúp đẩy nhanh những nỗ lực này.
Nhắc đến Jim Keller, có thể nói ông là một huyền thoại trong ngành bán dẫn và là “bậc thầy chip” ở Thung lũng Silicon. Với khả năng làm việc xuất sắc của mình, ông đã để lại những dấu ấn lớn tại các ông lớn công nghệ. Trong hơn 30 năm gắn bó với nghề, dấu ấn của ông đã lan rộng khắp các công ty lớn ở Thung lũng Silicon, dẫn đầu việc thiết kế và phát triển nhiều thế hệ bộ xử lý khác nhau. Ông chính là người thiết kế chip A-series cho Apple, cha đẻ kiến trúc bộ xử lý Zen của AMD và là người tạo ra chip xe tự lái cho Tesla.
Sau khi từ chức tại Intel vào tháng 6.2020, Keller đã gia nhập startup về chip AI Tenstorrent với tư cách là giám đốc công nghệ. Ông trở thành CEO của công ty này vào tháng 1.2023.
Ngoài Keller, Tenstorrent còn có cựu nhân viên 13 năm của AMD Keith Witek, kiến trúc sư trưởng chip Wei han Lien. Lien là người đã dẫn đầu các nỗ lực của Apple nhằm thúc đẩy thiết kế chip nội bộ để đưa vào iPhone, iPad và thậm chí cả máy tính Mac. Đội ngũ khoảng 400 người của Tenstorrent còn bao gồm những chuyên gia kỳ cựu khác trong ngành có kinh nghiệm tại AMD và Apple.