Nâng cao khả năng làm chủ công nghệ bán dẫn của doanh nghiệp

Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế số đang khẳng định vai trò là động lực chủ chốt, thúc đẩy sự phát triển toàn diện kinh tế-xã hội; trong đó, ngành công nghiệp bán dẫn được coi là huyết mạch của kinh tế số toàn cầu. Vì vậy, làm chủ ngành công nghiệp bán dẫn là nhiệm vụ và yêu cầu cấp thiết, là đòn bẩy để doanh nghiệp công nghệ số (CNS) Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Báo Quân đội Nhân dânBáo Quân đội Nhân dân17/02/2025

Khắc phục những hạn chế 

Hiện nay, đóng góp của các doanh nghiệp CNS nước ta vào chuỗi giá trị toàn cầu còn khiêm tốn, chủ yếu dừng lại ở khâu gia công, còn công nghệ lõi phần lớn do các công ty, tập đoàn công nghệ nước ngoài nắm giữ. Để doanh nghiệp CNS Việt Nam có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, theo ông Nguyễn Trung Kiên, Phó trưởng ban Công nghệ bán dẫn, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel): Việc làm chủ thiết kế và sản xuất chip bán dẫn phải trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp CNS. Việc làm chủ ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ giúp các quốc gia trên thế giới bảo đảm an ninh công nghệ và tự chủ nguồn cung mà còn tạo ra giá trị gia tăng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Nhận thức rõ được nhiệm vụ quan trọng trong việc nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ, đặc biệt là công nghệ lõi, ngay từ năm 2017, Viettel đã quyết định thành lập trung tâm thiết kế chip nhằm hướng tới mục tiêu tự chủ trong thiết kế, sản xuất chip bán dẫn, đóng góp năng lực cạnh tranh công nghệ cao. Tuy nhiên, trong hành trình nghiên cứu, làm chủ và phát triển công nghệ chip 5G với thương hiệu “Make in Viet Nam”, đội ngũ kỹ sư của Viettel gặp không ít khó khăn. Về mặt kỹ thuật công nghệ, Viettel bắt tay vào nghiên cứu chip 5G khi đây đang là công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực viễn thông. Vì vậy, việc thiết kế chip 5G trở nên rất phức tạp, phải bảo đảm những yêu cầu khắt khe về tính năng và các chỉ tiêu kỹ thuật. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn mạng 5G liên tục được cập nhật, điều này buộc đội ngũ thiết kế chip cũng phải thường xuyên cập nhật công nghệ mới và điều chỉnh thiết kế sao cho phù hợp với các yêu cầu, chỉ tiêu của hệ thống mạng 5G.

Hoạt động trải nghiệm truyền hình tương tác dựa trên công nghệ 5G của Viettel.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cũng là hạn chế ban đầu của Viettel, bởi thiết kế chip là lĩnh vực đòi hỏi nguồn nhân lực có chuyên môn cao. Các dòng chip mà Viettel hướng tới bao gồm đầy đủ các lĩnh vực, từ xử lý tín hiệu số đến xử lý tín hiệu cao tần. Theo ông Nguyễn Trung Kiên, nguồn nhân lực tại Việt Nam có kinh nghiệm trong thiết kế vi mạch rất hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng đội ngũ đủ mạnh để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của công nghệ 5G. Thời điểm khởi động dự án chip 5G, đội ngũ kỹ sư của Viettel chưa đến 30 người, trong đó 80% là kỹ sư trẻ, với kinh nghiệm chỉ 2-3 năm.

Cùng với đó, một trong những lực cản trong quá trình nghiên cứu, phát triển 5G của Viettel là hệ sinh thái chip bán dẫn trong nước còn nhiều hạn chế. Theo các chuyên gia công nghệ, hệ sinh thái ngành công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam trước đây chỉ có một số ít công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và kiểm định. Vì vậy, mọi công đoạn từ sản xuất, lắp ráp đến đóng gói hoàn toàn phụ thuộc vào các công ty FDI.

Tăng cường hợp tác chiến lược trong và ngoài nước

Khi đối mặt với những khó khăn trong quá trình phát triển chip 5G, Viettel đã triển khai các phương án phù hợp để đạt được những kết quả nhất định. Nhấn mạnh tầm quan trọng của mục tiêu đầu tư hệ thống công cụ và chuyển giao công nghệ, ông Nguyễn Trung Kiên cho biết, Viettel đã tập trung đầu tư toàn diện vào các công cụ phần mềm thiết kế tiên tiến từ các hãng công nghệ lớn. Thông qua quá trình đàm phán, Viettel cũng đã kết hợp được với nhiều chương trình chuyển giao công nghệ, tạo cơ hội học hỏi, nâng cao năng lực cho đội ngũ thiết kế, đồng thời tăng cường hợp tác chiến lược trong và ngoài nước.

Đối với nhiệm vụ xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao, Viettel đã không ngừng tìm kiếm và tuyển dụng nhân tài trên toàn cầu, đồng thời liên tục cập nhật các tri thức thông qua một số hình thức như hợp tác nghiên cứu, tổ chức các khóa đào tạo thực tiễn. Theo các chuyên gia, đây là giải pháp hiệu quả nhất giúp các kỹ sư trẻ, ít kinh nghiệm nhanh chóng nâng cao trình độ chuyên môn và rút ngắn thời gian thích nghi với công việc.

Việc làm chủ công nghệ chip 5G mang thương hiệu Việt Nam của Viettel là kết quả của sự đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, từ các thiết bị đầu cuối đến hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin. Điều này góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng năng lực phục vụ cho việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn quốc gia, qua đó thực hiện mục tiêu của Viettel đặt ra đến năm 2030 sẽ làm chủ thiết kế và sản xuất những loại chip chuyên dụng phục vụ các sản phẩm công nghệ cao, tiến tới làm chủ các dòng chip cơ bản trong ngành công nghiệp điện tử trong nước. Tuy nhiên, các kết quả đạt được của Viettel vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu tăng tốc phát triển dựa vào chuyển đổi số, phát triển công nghệ cao của đất nước. Do đó, cần có thêm các chính sách để thu hút, hỗ trợ Viettel cùng nhiều doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu, phát triển công nghệ cao, nâng cao khả năng tự chủ về công nghệ, nhất là công nghệ lõi.

Bài và ảnh: HOÀNG CHUNG


Nguồn: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nang-cao-kha-nang-lam-chu-cong-nghe-ban-dan-cua-doanh-nghiep-815974


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm
DJ top 1 thế giới khám phá Sơn Đoòng, khoe video triệu view
Phượng "Singapore": Cô gái Việt gây sốt khi mỗi bữa nấu gần 30 món ăn
Việt Nam tham gia Diễn tập Hải quân đa phương Komodo 2025

No videos available