Antimon được dùng làm chất chống cháy, thiết bị quân sự và ngành bán dẫn... Một công ty chuyên sản xuất loại bán kim loại này ở Hà Giang ghi nhận giá cổ phiếu tăng gần 700% sau 1 năm - kể từ sau khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu antimon.
Nhiều cổ phiếu khoảng sản tăng "nóng" sau khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu loạt ‘hàng hiếm’ của thế giới sang Mỹ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thị trường chứng khoán tuần qua vẫn ảm đạm với thanh khoản chưa được cải thiện so với giai đoạn trước nghỉ Tết.
Tuy nhiên, khi nhóm cổ phiếu VN30 chịu áp lực khá lớn trong bối cảnh dòng tiền ngoại tiếp tục rút ra, thì một vài mã ngành khoáng sản khá "lạ" với nhiều nhà đầu tư lại có hiệu suất tích cực.
Vì sao cổ phiếu HGM tăng giá vù vù?
Đơn cử, mã HGM của Công ty cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang trải qua nhiều phiên tăng và tăng trần liên tiếp, trở thành "hiện tượng" trên sàn chứng khoán.
Kết phiên ngày 14-2, thị giá HGM vọt lên gần 360.000 đồng/cổ phiếu khi tăng 60% sau 1 tháng và tăng tới 680% sau 1 năm. Mức đột biến này đưa HGM trở thành cổ phiếu top đắt đỏ nhất sàn chứng khoán.
Nhìn sang "vua" thị giá một thời của sàn chứng khoán là VNZ của Công ty cổ phần VNG hiện chỉ còn 358.000 đồng/cổ phiếu, vẫn kém HGM khi kết phiên cuối tuần qua.
Sự thay đổi ngoạn mục của HGM diễn ra gần một năm trở lại đây. Còn nhớ, vào tháng 3-2022, cổ phiếu HGM từng nhận thông báo từ HNX về khả năng hủy bỏ niêm yết bắt buộc do báo cáo tài chính năm trong 3 năm (2019, 2020, 2021) có ý kiến kiểm toán ngoại trừ.
Ở thời điểm đó, cổ phiếu HGM thanh khoản rất kém trên thị trường và thị giá khoảng hơn 40.000 đồng/đơn vị. Tình thế thay đổi từ nửa cuối năm 2024 đến nay, mã này liên tục tăng dựng đứng.
HGM là doanh nghiệp khoáng sản có trụ sở ở Hà Giang, thành lập từ năm 2006. Sở hữu nhà máy tinh luyện Antimon Mậu Duệ, HGM được biết là đơn vị sản xuất antimon lớn ở Việt Nam.
Giới thiệu trên website, công ty này cho biết có quyền khai thác mỏ Antimon Mậu Duệ ở Hà Giang gồm ba thân quặng và đang khai thác thân quặng II với trữ lượng khoảng 372.000 tấn quặng với hàm lượng antimon đạt gần 10%.
Về tình hình kinh doanh, HGM ghi nhận doanh thu thuần hơn 370 tỉ đồng cả năm 2024, tăng gấp 2,1 lần so với năm 2023. Còn lãi sau thuế đạt 185 tỉ đồng, tăng gấp 3,4 lần.
Cổ phiếu khoáng sản tăng giá sau động thái từ Trung Quốc?
Theo tìm hiểu, antimon (Sb) là nguyên tố á kim (hay bán kim loại, loại nguyên tố có một số đặc tính của kim loại và một số đặc tính của phi kim).
Antimon "hot" vì sử dụng làm nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp cả hiện tại lẫn tương lai. Loại vật liệu này dùng để sản xuất vòng bi, trục máy, phụ tùng ô tô, ắc-quy, lĩnh vực quốc phòng (tạo vỏ lựu đạn, chất nổ).
Loại khoáng sản quý này cũng được dùng rất nhiều trong lĩnh vực công nghệ cao, là thành phần chính trong chất bán dẫn, bảng mạch, công tắc điện, ánh sáng huỳnh quang, kính trong suốt chất lượng cao, pin…
Bộ Nội vụ Mỹ từ lâu đã đưa antimon và các hợp chất liên quan vào danh sách các khoáng chất cực kỳ quan trọng. Từ sau Thế chiến 2, Washington luôn là một trong những nước tiêu thụ chất này hàng đầu và hầu hết dùng cho sản xuất vũ khí.
Dù đang bị kẹt trong mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc nhưng Mỹ vẫn phải "bấm bụng" mua antimon từ nước này, với khoảng 63% lượng antimon Mỹ đang sử dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, gần cuối năm ngoái, Trung Quốc thông báo bắt đầu giới hạn việc xuất khẩu với nhiều loại sản phẩm liên quan antimon.
Vừa qua, ngoài HGM, cổ phiếu một số doanh nghiệp khoáng sản khác cũng tăng "nóng" sau khi xuất hiện thông tin Trung Quốc tiếp tục thông báo hạn chế xuất khẩu các khoáng sản then chốt khác sang Mỹ.
Động thái nêu trên được cho nhằm đáp trả việc chính quyền Mỹ công bố lệnh hạn chế xuất khẩu đối với 24 loại thiết bị sản xuất chip và ba loại phần mềm quan trọng phục vụ phát triển chất bán dẫn sang Trung Quốc.
Nhiều cổ phiếu khoáng sản tăng "nóng"
Trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu MSR của Công ty cổ phần Masan High-Tech Materials đã tăng gần 60% chỉ sau 1 tháng, lên vùng giá 19.700 đồng/đơn vị. Công ty này được thành lập năm 2010 với mục tiêu thực hiện hoạt động khai thác khoáng sản và tài nguyên của Tập đoàn Masan.
Không chỉ MSR, một số công ty chuyên khai thác khoáng sản khác cũng tăng trần nhiều phiên liên tiếp như KSV của Tổng công ty Khoáng sản TKV (Vimico) hay BKC của Khoáng sản Bắc Kạn.
Riêng thị giá KSV còn tăng 120% sau 1 tháng và tăng 940% sau 1 năm, lên vùng giá 280.000 đồng/cổ phiếu.
Nguồn: https://tuoitre.vn/mot-doanh-nghiep-viet-ban-loai-khoang-san-ca-the-gioi-can-gia-co-phieu-tang-gan-700-20250215153023631.htm
Bình luận (0)