Đến cuối năm nay, việc thí điểm cát biển mới có kết quả, vì vậy từ giờ đến 2024 nguồn vật liệu san lấp chủ yếu là cát sông, theo Bộ Giao thông Vận tải.
Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội về kết quả chất vấn tại kỳ họp thứ ba, Bộ Giao thông Vận tải cho biết cơ quan chuyên môn đã thí nghiệm mẫu cát biển lấy tại Trà Vinh và Sóc Trăng để phục vụ dự án cao tốc Bắc Nam. Kết quả cho thấy cát biển tại đây đạt chỉ tiêu cơ lý cơ bản, đáp ứng yêu cầu cho cát đắp nền đường.
Bộ đã cho thí điểm sử dụng cát biển trên tuyến ĐT978 thuộc dự án thành phần Hậu Giang – Cà Mau, dự kiến hoàn thành trong tháng 5. Cơ quan chuyên môn sẽ quan trắc đến tháng 11, nhanh nhất đến cuối năm mới có thể xác định được khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của cát biển.
“Vì vậy, trước mắt trong năm 2023 và 2024 nguồn vật liệu san lấp cho các dự án cao tốc chủ yếu vẫn là cát sông”, báo cáo nêu.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết theo khảo sát về trữ lượng cát biển, tỉnh Trà Vinh đã cấp phép khai thác một mỏ với 1,1 triệu m3, công suất khai thác 0,4 triệu m3/năm. Ngoài ra, có ba vị trí mỏ đang được quy hoạch. Trong đó, trữ lượng lớn nhất là mỏ tại tỉnh Sóc Trăng quy mô 13,9 tỷ m3, nằm cách bờ biển 40 km và hai mỏ ở Trà Vinh 2,1 triệu m3.
Cùng với việc thí nghiệm của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt và triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu san, đắp nền đường”. Nghiên cứu đang ở giai đoạn phòng, bắt đầu chuyển sang thực địa.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang nghiên cứu tiềm năng khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp cho dự án giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long trên khu vực biển nằm cách bờ 10-25 km, độ sâu 10-30 m. Kết quả thực hiện dự án sẽ làm rõ chất lượng, tiềm năng cát biển và khả năng khai thác để đáp ứng nguồn vật liệu san lấp đang khan hiếm hiện nay.
Thí điểm dùng cát biển đắp nền đường được đưa ra trong bối cảnh hàng loạt dự án cao tốc được triển khai, song thiếu vật liệu san lấp. Ở miền Tây, riêng hai dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và Cần Thơ – Cà Mau cần khoảng 40 triệu m3 cát, nhưng nguồn vật liệu trong vùng không thể đáp ứng.
Trả lời VnExpress trước đó, ông Nguyễn Văn Nguyên, Tổng cục phó Địa chất và Khoáng sản, cho rằng hành lang pháp lý, quy hoạch chưa đầy đủ dẫn tới các đơn vị chậm hoặc không thể thăm dò, khai thác cát biển. Ngoài ra, cát biển khai thác lên cũng không thể sử dụng do không có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn sử dụng cho từng lĩnh vực như làm bêtông hay san lấp.
Ông Nguyên cho biết đơn vị đang khẩn trương xây dựng thông tư quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá cát biển, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường.