Đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị có chính sách hỗ trợ các cơ quan di dời trụ sở làm việc ra khỏi trung tâm Hà Nội, gỡ điểm nghẽn để phát triển thủ đô.
Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi sáng 27/11, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan nói Thủ tướng đã ban hành quyết định về biện pháp, lộ trình di dời và sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị ra khỏi nội thành Hà Nội từ năm 2015. Tuy nhiên nhiều năm qua, việc này vẫn không có kết quả.
“Nếu tiếp tục không có giải pháp, chủ trương này sẽ không khả thi”, bà Lan nói, đề nghị ngoài chính sách của Nhà nước về đầu tư, thành phố cần nghiên cứu cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các cơ quan, đơn vị di dời trụ sở làm việc.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho rằng Hà Nội có rất nhiều trụ sở cơ quan, đoàn thể Trung ương. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa thành phố và các cơ quan này đang không tốt vì “một việc rất nhỏ là di dời các trụ sở ra khỏi trung tâm thành phố để giảm bớt ách tắc giao thông nhưng rất nhiều năm không thực hiện được”.
“Đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn và nêu rõ phương thức thực hiện công việc này”, ông nói.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Phó đoàn Yên Bái) cũng cho rằng thành phố Hà Nội cần kiên quyết di dời các cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô; xử lý nghiêm những vi phạm về trật tự xây dựng và đô thị, quản lý tốt hơn nữa không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị.
Thảo luận tại tổ hôm 11/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đình Tiến Dũng nói việc di dời bệnh viện, trường đại học gặp khó vì hầu hết đều theo cơ chế tự chủ. Được giao đất mới, các đơn vị cũng không có đủ nguồn lực để xây dựng. Vì vậy, ông đề nghị dự thảo luật Thủ đô sửa đổi được xây dựng theo hướng giao thẩm quyền mạnh hơn cho thành phố.
Hà Nội cần có cơ chế bỏ tiền ngân sách ra giải phóng mặt bằng, thậm chí xây trụ sở mới cho trường đại học, bệnh viện. Cơ sở cũ có thể trả lại cho thành phố hoặc làm cơ sở đào tạo sau đại học, cơ sở nghiên cứu hợp tác quốc tế để giảm dân cư.
Hồi tháng 5, Ban Bí thư ra chỉ thị yêu cầu thực hiện nghiêm lộ trình di dời trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, học viện, trường đại học ra ngoài khu vực trung tâm thành phố theo quy hoạch.
Thực tế, kế hoạch di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi trung tâm Thủ đô đã được đề ra từ nhiều năm và một số bộ, ngành đã chuyển về trụ sở mới ở phía Tây Thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh vướng mắc về nguồn vốn để triển khai thì một trong những vấn đề khiến việc di dời chậm trễ là đã được cấp đất xây trụ sở mới nhưng các bộ ngành không bàn giao lại cơ sở cũ nằm trong quận trung tâm.
Báo cáo của Hà Nội năm 2016 cho thấy từng có 9 bộ, ngành di dời khỏi trung tâm, nhưng 7 đơn vị tiếp tục giữ trụ sở cũ hoặc bàn giao cho cơ quan trung ương quản lý; hai cơ quan được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cho thuê.
Cuối tháng 4/2023, Thủ tướng đã phê duyệt đồ án quy hoạch trụ sở 36 bộ ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của đoàn thể ở khu Tây Hồ Tây (quận Tây Hồ và Bắc Từ Liêm) và Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm). Hai khu này đều cách trung tâm Thủ đô khoảng 10 km.