Lực lượng Đặc công hải quân Đoàn 126 giải phóng đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa, ngày 28/4/1975. (Ảnh: TTXVN phát)
50 năm sau ngày đất nước thống nhất, dấu ấn Bộ đội Đặc công vẫn in đậm trong trang sử vàng.
Từ trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên năm 1948 - nơi đặt nền móng cho chiến thuật đặc công, đến những trận tập kích táo bạo tại sân bay Biên Hòa, kho xăng Nhà Bè, trận Đồng Dù (Củ Chi), Bù Bông, Kiến Đức, Dầu Tiếng… và những mũi xung kích thần tốc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, đặc công luôn là lực lượng đi đầu, đánh hiểm, đánh trúng, làm nên những chiến thắng vang dội.
Giữa thời bình, những "anh hùng thầm lặng" năm xưa vẫn miệt mài rèn luyện, nâng cao sức mạnh tác chiến, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền, thực hiện nhiệm vụ giữ nước từ sớm, từ xa.
Chùm 3 bài với chủ đề “Bộ đội Đặc công Cụ Hồ - 50 năm mở đường, giữ nước” do phóng viên TTXVN thực hiện sẽ khắc họa hành trình từ những trận đánh huyền thoại đến một lực lượng đặc công hiện đại, bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần thép.
Bài 1: Những trận đánh huyền thoại
Năm 2025, trong không khí cả nước hân hoan hướng về kỷ niệm 50 năm Thống nhất đất nước, những chiến công của Bộ đội Đặc công Cụ Hồ lại được nhắc nhớ.
Nhưng ít ai biết rằng nền móng cho chiến thuật đặc công đã được đặt từ một trận đánh nhỏ tại Tân Uyên, Bình Dương 77 năm trước - trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên ngày 19/3/1948.
Tiền đề lối đánh bất ngờ, táo bạo…
Vào tháng Tư lịch sử, dưới cái nắng gắt ở Đông Nam Bộ, chúng tôi theo chân ông Hoàng Văn Hiến - nguyên Đại úy Tiểu đoàn 368 tỉnh Bình Long, đến thăm Bia tưởng niệm Chiến thắng 19/3 tại Tân Uyên (Bình Dương). Ở tuổi 71, dáng người ông vẫn rắn rỏi, giọng nói trầm ấm, ánh mắt xa xăm như lắng đọng những ký ức năm xưa.
Dừng chân trước khu di tích lịch sử, ông chậm rãi đưa tay về phía tháp canh cầu Bà Kiên vừa được tái hiện, giọng rắn rỏi: “Tháp canh cầu Bà Kiên không chỉ là một địa danh, mà còn là nơi khai sinh một chiến thuật quân sự huyền thoại - lối đánh đặc công.”
Là người con Thạnh Phước, Tân Uyên (Bình Dương), ông Hiến từng chiến đấu trên mặt trận giải phóng Bình Long (Bình Phước) và trải qua những lần phối hợp với Lữ đoàn Đặc công Bộ 429 trong nhiều trận đánh ác liệt tại vùng Đông Nam bộ. Với ông, trận đánh cầu Bà Kiên là bước ngoặt cho một chiến thuật quân sự về lối đánh bất ngờ, táo bạo.
Vào tháng Tư lịch sử, dưới cái nắng gắt ở Đông Nam Bộ, chúng tôi theo chân ông Hoàng Văn Hiến 71 tuổi - nguyên Đại úy Tiểu đoàn 368 tỉnh Bình Long, đến thăm Bia tưởng niệm Chiến thắng 19/3 tại Tân Uyên (Bình Dương). (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Năm 1948, thực dân Pháp xây tháp canh Cầu Bà Kiên tại Tân Uyên - cứ điểm kiên cố cao 12m, tường gạch dày 40cm, bốn góc lắp súng máy, lính gác tuần tra ngày đêm. Thế nhưng, quân và dân Tân Uyên kiên cường, quyết không khuất phục.
Đêm 18, rạng sáng 19/3/1948, ba chiến sỹ du kích Trần Công An, Hồ Văn Lung và Nguyễn Văn Nguyên được giao nhiệm vụ tập kích tháp canh. Hành trang của họ chỉ có một khẩu súng trường, một chiếc thang tre và 10 quả lựu đạn (9 quả tự tạo). Lợi dụng lúc địch thay gác, họ men theo bờ sông Đồng Nai, lặng lẽ áp sát mục tiêu. Bằng sự gan dạ và chiến thuật khéo léo, họ leo lên tầng trên, ném lựu đạn vào trong.
Tiếng nổ xé toang màn đêm; 10 lính Pháp bị tiêu diệt, kho đạn phát nổ, tháp canh chìm trong khói lửa; hệ thống phòng thủ kiên cố của địch bị phá vỡ. Khi quân tiếp viện còn chưa kịp phản ứng, đội du kích đã rút lui an toàn, mang theo tám khẩu súng và 20 quả lựu đạn.
Lần đầu tiên, một nhóm chiến sỹ với vũ khí thô sơ đánh sập cứ điểm kiên cố của quân Pháp bằng lối đánh bất ngờ, bí mật và táo bạo. Chiến thắng này đặt nền móng cho sự ra đời của Binh chủng Đặc công.
Cội nguồn của đặc công
Tiến sỹ Nguyễn Văn Thủy (Hội Khoa học Lịch sử Bình Dương) nhận định: “Chiến thắng tháp canh Cầu Bà Kiên không chỉ là một trận đánh thành công, mà còn đặt nền móng cho nghệ thuật tác chiến đặc công.”
Chiến thắng cầu Bà Kiên được xem là cái nôi của chiến thuật đặc công, mở ra lối đánh linh hoạt, hiểm hóc. Đúng 19 năm sau, ngày 19/3/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Binh chủng Đặc công. Từ đó, ngày 19/3 trở thành Ngày truyền thống của lực lượng đặc công Việt Nam.
Từ những kinh nghiệm thực tiễn, đặc công trở thành mũi nhọn xung kích trong hai cuộc kháng chiến. Họ đã lập nên nhiều chiến công vang dội: Đánh kho xăng Nhà Bè (1963), sân bay Biên Hòa (1964), Dinh Độc Lập (1968), Đồng Dù (1969)... Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, đặc công là mũi đột kích quan trọng, góp phần giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.
Thời gian trôi qua, chiến trường xưa đã đổi thay. Tháp canh cầu Bà Kiên nay thuộc ấp Dư Khánh, phường Thạnh Phước, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Năm 2009, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương công nhận nơi đây là di tích lịch sử cấp tỉnh. Bia tưởng niệm Chiến thắng 19/3 được dựng trên khuôn viên rộng 1.800m2, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống. Trên tấm bia, lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được khắc ghi trang trọng: “Đặc biệt tinh nhuệ; Anh dũng tuyệt vời; Mưu trí táo bạo; Đánh hiểm thắng lớn.”
Người dân Tân Uyên tự hào: “Cầu Bà Kiên không chỉ là di tích, mà còn thể hiện tinh thần quật cường của nhân dân, là nơi khởi nguồn của những chiến sĩ đặc công anh hùng.”
Hôm nay, giữa sự yên bình của một thành phố trẻ đang vươn mình phát triển, chiến thắng năm xưa vẫn vang vọng, không chỉ là trang sử hào hùng mà còn in sâu trong lòng bao thế hệ như một biểu tượng bất diệt của Bộ đội Đặc công Cụ Hồ.
Thời đại Bộ đội Đặc công Cụ Hồ
Dưới cái nắng miền Đông Nam Bộ rát bỏng da, chúng tôi ghé thăm Lữ đoàn Đặc công Bộ 429, đóng quân tại huyện Phú Giáo, Bình Dương. Đón chúng tôi, Đại tá Hoàng Văn Số - Chính ủy Lữ đoàn bắt tay thật chặt, giọng chắc nịch: “Bộ đội Đặc công sinh ra từ gian khó, lớn lên trong chiến tranh, rèn luyện qua từng trận đánh. Tinh thần thép, kỹ thuật điêu luyện, ý chí kiên cường - đó là những gì làm nên đặc công 429.”
“Từ những ngày đầu gian khó đến những chiến công hiển hách, Bộ đội Đặc công luôn chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự đùm bọc của nhân dân. Chính điều đó đã hun đúc nên một lực lượng tinh nhuệ, tác chiến bí mật, bất ngờ, góp phần quan trọng vào những chiến thắng của dân tộc,” Đại tá Số chia sẻ.
Theo ông, cách đánh đặc công là sự kế thừa tinh hoa nghệ thuật quân sự Việt Nam, từ chiến thuật “ngày ẩn náu, đêm tập kích” của Triệu Quang Phục, lối đánh thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn, đến đội quân Yết Kiêu chuyên tập kích trên sông. Tuy nhiên, chỉ đến kháng chiến chống thực dân Pháp, phương thức tác chiến này mới được định hình thành một binh chủng độc lập.
Tháp canh Cầu Bà Kiên không chỉ là một địa danh, mà còn là nơi khai sinh một chiến thuật quân sự huyền thoại - lối đánh đặc công. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Từ trận đánh cầu Bà Kiên năm 1948, nơi những chiến sỹ du kích lặng lẽ luồn sâu, ném lựu đạn tiêu diệt gọn cứ điểm quân Pháp, cách đánh đặc công chính thức ra đời. Những trận đánh nhỏ nhưng táo bạo ấy đặt nền móng cho một chiến thuật quân sự độc đáo.
Cũng từ đó, Bộ đội Đặc công ngày càng được tổ chức bài bản, trở thành lực lượng xung kích chủ lực. Họ chiến đấu theo nguyên tắc “bí mật, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm,” tận dụng yếu tố bất ngờ để giành thắng lợi với lực lượng tinh gọn nhưng hiệu quả tối đa.
Ngày nay, Bộ Quốc phòng tiếp tục xây dựng lực lượng đặc công theo hướng tinh nhuệ-gọn nhẹ-chất lượng cao. Đây là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, với quân nhân được tuyển chọn kỹ lưỡng, trang bị hiện đại và huấn luyện khắc nghiệt.
Đặc công nổi bật với phương pháp tác chiến linh hoạt, đột kích chớp nhoáng vào các mục tiêu trọng yếu trong đội hình chiến đấu, khu vực bố trí chiến dịch và hậu phương của địch.
Không chỉ là những chiến binh xuất sắc trong kháng chiến, Bộ đội Đặc công hôm nay tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ giữ nước từ sớm, từ xa.
“Tinh thần đặc công là không ngại khó, không sợ khổ, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ,” Đại tá Số khẳng định.
Nửa thế kỷ sau ngày thống nhất, có thể thấy rõ giá trị của chiến thuật đặc công - mưu lược, thần tốc, chính xác, góp phần quan trọng vào đại thắng mùa Xuân năm 1975. Tinh thần ấy vẫn rực cháy, hun đúc nên một lực lượng đặc công thời nay hiện đại, sẵn sàng bảo vệ vững chắc non sông./.
Bài 2: Mũi nhọn xung kích
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/nhung-tran-danh-huyen-thoai-cua-bo-doi-dac-cong-cu-ho-post1024239.vnp
Bình luận (0)