Cạnh tranh khốc liệt từ xe điện Trung Quốc khiến các hãng Nhật Bản phải quyết định có nên tập trung nguồn lực cho các thị trường khác hay không.
Giai đoạn tháng 4-9, các hãng xe Nhật Bản Honda, Nissan, Madza, Mitsubishi Motors đều ghi nhận doanh số tại Trung Quốc giảm sút so với năm ngoái. Riêng Toyota có doanh số không đổi, nhưng cũng phát cảnh báo về tình hình kinh doanh tại thị trường này.
Doanh số của Mitsubishi giảm mạnh nhất, với 60%. Subaru và Nissan giảm lần lượt 37% và 20%.
Các hãng xe ngoại, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản, đang ngày càng bị lấn át bởi đối thủ địa phương, như hãng xe điện BYD. Sau nhiều thập kỷ gây dựng việc kinh doanh tại Trung Quốc, các hãng xe Nhật gần đây phải giảm quy mô. Một năm qua, Toyota giảm công nhân hợp đồng trong nhà máy tại Trung Quốc. Honda và Nissan cũng hạ sản lượng tại các nhà máy ở đây.
Mitsubishi tháng trước cho biết sẽ rút khỏi liên doanh với Guangzhou Automobile Group, chấm dứt sản xuất tại Trung Quốc. Thông báo này được đưa ra sau khi họ chỉ bán được 31.826 xe tại nước này năm ngoái, giảm gần 4 lần so với doanh số năm 2019.
“Xu hướng chuyển đổi sang xe điện đang tăng nhanh hơn dự kiến. Sự lựa chọn về phân khúc và thương hiệu của người tiêu dùng cũng thay đổi đáng kể”, Kentaro Matsuoka, Giám đốc Tài chính Mitsubishi cho biết.
Xe điện đang chiếm thị phần lớn hơn tại Trung Quốc, và các công ty nội địa ghi nhận doanh số bán cao hơn các hãng xe ngoại. Năm nay, BYD lần đầu vượt Volkswagen để trở thành thương hiệu xe bán chạy nhất tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Tesla là thương hiệu xe duy nhất của Mỹ lọt top 10 bán chạy nhất Trung Quốc nửa đầu năm nay. Ford và nhiều công ty khác đã giảm đầu tư tại đây. Dù vậy, VW và General Motors vẫn cam kết duy trì kế hoạch ra mắt xe điện tại nước này.
Những thay đổi tại thị trường xe hơi lớn nhất thế giới đang khiến các hãng xe Nhật Bản phụ thuộc hơn vào thị trường Mỹ. Doanh số của họ tại đây đang bùng nổ. Toyota, Mazda và Subaru đều nâng dự báo lợi nhuận năm nay thêm 40% hoặc hơn.
Mazda đầu tuần trước hạ dự báo doanh số bán xe toàn cầu, dù dự kiến doanh số tăng mạnh tại Mỹ. Nguyên nhân là tình hình kinh doanh nghèo nàn tại Trung Quốc và Thái Lan. Giám đốc Tài chính Jeffrey Guyton cho biết tại hai quốc gia này, doanh số xe điện tăng đã ghìm nhu cầu xe xăng xuống.
Năm ngoái, hãng xe Mỹ – Italy Stellantis đã dừng một liên doanh sản xuất, phân phối xe Jeep tại Trung Quốc. Đến nay, trừ Mitsubishi, chưa có hãng xe Nhật Bản nào rút khỏi Trung Quốc.
Các hãng khác, trong đó có Nissan, đang đặt cược vào việc ra mắt xe điện tại Trung Quốc trong vài năm tới để đảo ngược tình thế. Guyton nói rằng họ sẽ vẫn giữ mạng lưới bán hàng tại Trung Quốc để chờ các model mới ra mắt.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều công ty cũng cho biết họ đang cân nhắc liệu có nên tập trung nguồn lực cho các thị trường mà Nhật Bản đang có vị thế vững chắc hay không, như Đông Nam Á. Các hãng xe Trung Quốc đang đưa ra nhiều mẫu xe điện giá rẻ cho thị trường này.
Đông Nam Á cũng là mục tiêu của Mitsubishi khi quyết định rút khỏi Trung Quốc. Họ có kế hoạch ra mắt nhiều model mới cho thị trường này, trong đó có xe bán tải.
Trong các hãng xe Nhật, Toyota là công ty duy nhất vẫn duy trì được doanh số bán hàng tại Trung Quốc giai đoạn tháng 4-9. Tuy nhiên, họ cũng hạ dự báo doanh số tại châu Á, do bất ổn tại Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.
Giám đốc Tài chính Yoichi Miyazaki dự kiến bán được ít xe điện hơn tại Trung Quốc năm nay, do cạnh tranh khốc liệt. Dù vậy, tổng doanh số có thể vẫn giữ nguyên nhờ nhu cầu xe chạy điện – xăng ổn định.
Miyazaki nhận định tại Đông Nam Á và các khu vực khác, “các hãng xe Trung Quốc có thể tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu xe điện và mở rộng hoạt động”. Câu hỏi với Toyota hiện tại chỉ là có nên đưa ra các mẫu xe điện mới tại Trung Quốc và cân nhắc sản xuất tại đây hay không mà thôi.
Hà Thu (theo WSJ)