Nhập viện mới biết hệ thống dây chằng bên ngoài cổ chân bị đứt hết
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân T.T.T. (48 tuổi) là người thường xuyên phải làm việc tay chân.
Tuy nhiên, trong vòng một năm qua bệnh nhân đã gặp phải chấn thương bong gân cổ chân hơn ba lần.
Các chấn thương này đều xảy ra trong các tình huống vận động bình thường như đi bộ hoặc lên xuống cầu thang.
Sau mỗi lần bong gân, ông T. đều gặp khó khăn khi đi lại, cảm thấy đau nhức và cổ chân ngày càng yếu đi nên quyết định đến bệnh viện kiểm tra.
Qua thăm khám và xét nghiệm, các bác sĩ ghi nhận cổ chân của người bệnh bị lỏng, đặc biệt khi làm các bài kiểm tra chức năng dây chằng.
Hình ảnh chụp MRI cho thấy toàn bộ hệ thống dây chằng bên ngoài cổ chân đã bị đứt hết, gây ra tình trạng mất vững cổ chân, khớp cổ chân bị thoái hóa, làm tăng nguy cơ chấn thương tái phát.
Sau khi hội chẩn kỹ lưỡng, các bác sĩ phẫu thuật tái tạo dây chằng bên ngoài cổ chân bằng phương pháp nội soi. Phải sử dụng dụng cụ chuyên biệt để tái tạo hệ thống dây chằng bị đứt bằng cách ghép dây chằng tự thân được làm từ gân khác ở vùng gối.
Vài ngày sau mổ, ông T. đã được xuất viện và hướng dẫn cách tập vận động, cổ chân đã vững chắc hơn, không còn tình trạng lỏng như trước.
Khi nào cần nhập viện?
Bác sĩ Nguyễn Tiến Lộc – khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á – cho biết với những ai đam mê thể thao thì tình trạng bong gân cổ chân không còn xa lạ.
Tại Việt Nam, không chỉ những người chơi thể thao mà ngay cả với những người lao động bình thường vẫn có thể bị bong gân khớp cổ chân.
Trong đa số trường hợp, tình trạng bong gân cổ chân có thể tự lành sau 3 tuần. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 30% bệnh nhân bị bong gân phải trải qua phẫu thuật để phục hồi tổn thương.
Do vậy, người dân khi bị chấn thương nên đến khám tại các bệnh viện có trang thiết bị y tế hiện đại và đội ngũ bác sĩ có chuyên môn để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Không nên chủ quan, cố chịu đựng cơn đau, hoặc tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, xoa bóp, nắn khớp… sẽ rất nguy hiểm, gây khó khăn cho quá trình điều trị của bác sĩ về sau.
Bác sĩ Võ Hòa Khánh – trưởng phòng quản lý chất lượng, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình – cho hay bong gân cổ chân là tình trạng tổn thương dây chằng vùng khớp cổ chân, tổn thương thông thường là giãn nhưng đôi khi cũng có rách, đứt dây chằng cổ chân nếu bong gân nặng.
Bong gân khớp cổ chân là loại bong gân phổ biến nhất, kiểu chấn thương thường gặp nhất là kiểu vẹo trong do tiếp đất sai tư thế làm cổ chân bị vẹo, nghiêng hoặc xoắn.
Nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng như mất vững khớp, giảm chức năng vận động và nguy cơ thoái hóa khớp.
Bác sĩ Khánh khuyến cáo cần khởi động kỹ trước khi bắt đầu hoạt động thể dục thể thao. Tập thể dục thường xuyên, hoạt động vừa phải mỗi ngày sẽ tốt hơn hoạt động mạnh chỉ một hoặc hai lần một tuần.
Điều này giúp cơ bắp mềm mại và linh hoạt, do đó chúng có thể nhanh chóng phục hồi khi có tổn thương ngoài ý muốn.
Đồng thời chú ý tới thời tiết, địa hình, quãng đường chạy bộ hay chơi thể thao. Trời mưa, đường trơn trượt, gồ ghề sẽ khiến tăng nguy cơ trượt ngã, đầu tư dụng cụ thể thao như giày, quần áo… phù hợp.
Thực hiện an toàn trong lao động và trong sinh hoạt, tránh nguy cơ ngã khi phải thực hiện các công việc cần có sự thăng bằng trên các độ cao.
Nhận biết mức độ nặng bong gân ra sao?
Bác sĩ Khánh cho hay có 3 mức độ bong gân cổ chân cần chú ý:
Độ I: Mức độ nhẹ, bong gân này xảy ra khi lực tác động vào vùng cổ chân không quá lớn và gây nên tình trạng giãn dây chằng nhẹ. Vùng cổ chân sẽ xuất hiện vết sưng nhỏ và kèm theo cảm giác hơi đau một chút.
Độ II: Mức trung bình, khi bị bong gân ở mức độ này, dây chằng ở vùng cổ chân có thể đã bị rách hoặc bị đứt một phần.
Vùng cổ chân sẽ bị sưng và thâm khá lớn. Khi đứng lên sẽ cảm nhận được cảm giác hơi mất vững ở phần cổ chân.
Độ III: Mức độ nặng, đây là mức độ nặng nhất khi bị bong gân cổ chân. Trường hợp này, dây chằng ở phần cổ chân đã bị đứt toàn bộ.
Vùng cổ chân sẽ bị sưng và bầm tím rất lớn. Khi đứng dậy sẽ có cảm giác cực kỳ đau và hoàn toàn bị mất vững khớp cổ chân.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bong-gan-co-chan-hoai-cho-coi-thuong-dut-day-chang-nhu-choi-20241018102901748.htm