Ghé quán Cây Sung ăn cháo cá lóc rau đắng đất, chưa xa đã nhớ miền Tây

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ01/02/2025

Quán cháo cá lóc luôn có dĩa rau đắng đất xanh mởn nằm nơi thành phố cửa ngõ. Mới trước Tết ghé quán với tâm trạng nôn nao đã về đến miền Tây thì thoắt cái, ngày ra đi ghé quán đã thấy vấn vương quê nhà.


Ghé quán Cây Sung ăn cháo cá lóc rau đắng đất, để miền Tây thấm vào người - Ảnh 1.

Phần cháo 2 người ăn "bao no" - Ảnh: SƠN LÂM

Mùng 4 Tết, dòng người từ miền Tây bắt đầu trở lại miền Đông. Quán cháo cá lóc Cây Sung ở địa chỉ 577 quốc lộ 1, phường 4, TP Tân An, Long An chọn ngày này mở cửa đầu năm, và lại tấp nập khách ghé như thường ngày.

Đường quốc lộ 1 từ TP Tân An xuống thị trấn Tân Hiệp, Tiền Giang từ mấy mươi năm trước, lúc còn là "độc đạo" đã nổi tiếng với cháo cá rau đắng, cháo mắt má heo. 

Những tài xế đường dài từ khắp Bắc, Trung vào tới miền Tây thường chọn những quán cháo san sát ven quốc lộ 1 để dừng chân. Từ khi cao tốc TP.HCM - Trung Lương thông xe vào năm 2012, xe đường dài ít qua lại trên quốc lộ 1 hơn trước, những quán cháo thưa dần.

Chỉ còn một số ít quán như Cây Sung tồn tại, giữ lại một hình ảnh quen thuộc của miền Tây từ những năm 1990. Nằm bên trái theo hướng từ TP.HCM, dẫu có dải phân cách, nhưng vẫn không ngăn được nhiều người quay một vòng xe khá xa để thưởng thức lại tô cháo "nằm lòng".

Trước quán có một cây sung, nên hơn ba mươi năm trước, khi mở quán thì chủ đặt là Cây Sung. Cây sung làm nên tên tuổi và để "nhận diện quán", đến nay vẫn còn.

Cả những bàn gỗ tròn, phủ vải thun đỏ thêu hoa sặc sỡ đặc trưng kiểu miền Tây khi xưa cũng còn. Khách vào, chủ quán sẽ nhìn bao nhiêu người ăn rồi lần lượt dọn ra.

Một xoong cháo bắc trên bếp cồn sôi ùng ục, to nhỏ tùy theo lượng khách ăn. Một dĩa rau đắng đất to đùng kèm giá sống. Dĩa thịt cá lóc đã chín rưới sẵn mỡ hành, đậu phộng rang giã nhuyễn, hành, tiêu, gừng sắt sợi.

Ghé quán Cây Sung ăn cháo cá lóc rau đắng đất, chưa xa đã nhớ miền Tây - Ảnh 3.

Cháo miền Tây kiểu như "canh gạo", không đặc sệt bung nhão - Ảnh: SƠN LÂM

Tiếp đó là một loạt các chén mắm me, mắm tương, mắm mặn, tiêu, ớt xay… và kèm theo một bình trà đá với ly để sẵn cho khách. Nếu miền Bắc thường nấu cháo theo kiểu phải bung hết gạo, nhão sệt gần như bột, thì cháo miền Tây kiểu như "canh gạo".

Cá lóc làm sạch, tao qua bằng dầu, hành rồi luộc lấy nước. Gạo được rang qua rồi đổ nước luộc cá để vào nấu. Đến khi gạo bung nở, trong khoảng mươi phần nước có bảy, tám phần gạo là nấu xong.

Ở quán Cây Sung, cháo còn được nấu với nấm, thịt bằm se viên nên nước bao giờ cũng ngọt lừ vị cá, vị thịt, thơm hương gạo và nấm, cùng hành lá nêm vào.

Bây giờ không còn cá lóc đồng, nhưng chủ quán cũng chọn lựa được những con lóc vừa đến cữ chắc thịt để nấu. Và với hơn ba mươi năm luộc cá, miếng cá lóc ở đây luôn được nấu vừa chín tới, đủ độ săn, ngọt thịt, không bị xơ, nhạt cá.

Nhưng có lẽ điều khiến người ta nhớ đến quán Cây Sung nhất là lúc nào cũng có dĩa rau đắng đất xanh mơn mởn.

Ghé quán Cây Sung ăn cháo cá lóc rau đắng đất, để miền Tây thấm vào người - Ảnh 3.

Rau đắng đất thường gây thương nhớ cho người miền Tây xa xứ - Ảnh: SƠN LÂM

Rau đắng đất có ở khắp nơi, nhưng được người miền Tây sử dụng nhiều nhất. Hạt rau đắng đất dường như nằm sẵn trong đất vườn. Cứ mỗi lần tơi đất đắp bờ ao, bờ ruộng phơi khô, mùa mưa xuống là cây lại trồi lên từng mảng xanh rì.

Khác với loại rau đắng mình tròn, thân giòn thông thường, rau đắng đất có thân hơi cứng, lá mỏng nhỏ, và vị đắng cũng "cao độ" hơn rất nhiều.

Rau đắng đất có thể ăn sống, nhưng ngon nhất vẫn là được trụng tái. Vì thế một chén cháo hoàn hảo ở quán Cây Sung là khi cháo đang sôi bùng trên xoong thì để một ít rau đắng đất vào chén, múc cháo cho vào.

Nhiều người không quen, có thể sẽ khó chịu với vị đắng của rau đắng đất. Nhưng thông thường món càng khó ăn, khi ăn được rồi lại dễ ghiền, gây thương nhớ nhiều hơn. 

Sau vị đắng nhẫn, rau đắng đất sẽ dẫn đến một vị ngọt nhẹ rất đặc trưng, hòa vào với vị ngọt cháo cá. Ăn đến căng bụng mà miệng vẫn thòm thèm, đòi thêm chén nữa.

Ghé quán Cây Sung ăn cháo cá lóc rau đắng đất, để miền Tây thấm vào người - Ảnh 4.

Nếu vội đi, có thể kêu nhanh một phần cháo như vầy với giá 50.000 đồng - Ảnh: SƠN LÂM

Xong bữa cháo, mồ hôi túa ra. Bữa ăn không chỉ ngon mà còn như một liều thuốc trị bệnh. Cảm giác nhẹ người, khoan khoái, phục hồi sinh lực sau một chặng đường dài là điều để bao năm nay người ta vẫn tìm đến quán Cây Sung để ăn cháo cá lóc rau đắng đất.

Bên cạnh là tìm lại một điều thân thuộc ở quán ven đường khi qua vùng cửa ngõ. Mới bữa trước Tết ghé quán, nhìn chén cháo cá rau đắng đất thì bồi hồi nôn nao về đến miền Tây. Thoắt cái đã mùng 4 Tết, húp chén cháo đã thấy vấn vương quê nhà.



Nguồn: https://tuoitre.vn/ghe-quan-cay-sung-an-chao-ca-loc-rau-dang-dat-chua-xa-da-nho-mien-tay-20250201162136347.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

Nhân vật

Tết Trong Mơ: Những nụ cười giữa 'xóm ve chai'
Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao
Hình ảnh tuyệt đẹp trên cánh đồng hoa cúc chi vào vụ thu hoạch
Giới trẻ xếp hàng từ 6h30, chờ 7 tiếng để chụp ảnh ở quán cà phê cổ trang

No videos available