Nhiều rạn san hô tại vịnh Nha Trang (Khánh Hòa) bị ảnh hưởng bởi tác động của tự nhiên và con người, bằng sự trăn trở, tình yêu thiên nhiên, nhiều bạn trẻ đã bắt tay vào việc tái tạo, phục hồi san hô.
Ít ai biết rằng tại đảo Trí Nguyên (vịnh Nha Trang) bên dưới mặt nước biển là một vườn ươm san hô đủ loại do Công ty Wonder World Nha Trang thực hiện.
Khoác bộ đồ lặn lên người anh Trần Văn Chương, kỹ thuật viên công ty Wonder World Nha Trang, vừa quấn chì lặn, vừa mang bình dưỡng khí… ngoài ra còn có camera dưới nước, thước đo. Sau đó anh Chương cùng với các đồng nghiệp lặn xuống biển để bắt đầu công việc của mình.
"Bình dưỡng khí này duy trì được hơn một tiếng ở độ sâu khoảng 5-10m. Chúng tôi sẽ đo kích thước san hô ghi lại quá trình phát triển, làm sạch vườn ươm cũng như bắt các loài gây hại như ốc drupella, sao biển gai… dọn rác mắc vào san hô", anh Chương nói.
Anh Chương cho hay ươm san hô cũng như ươm cây non, san hô sau khi được chiết sẽ được buộc lên những sợi dây. Sau khi san hô đạt đến độ dài nhất định sẽ cấy ghép vào các rạn san hô.
"Các nhánh san hô sau khi được tách phải hết sức cẩn thận, tránh làm tổn thương. Sau khi buộc lên giá treo, san hô sẽ phát triển tăng kích thước khi đủ độ dài sẽ đem đi cấy ghép, vườn ươm cũng như một phép thử về môi trường tạo sức đề kháng cho san hô trước khi cấy ghép cố định vào các rạn", anh Chương nói.
Tùy từng loại san hô, môi trường nước thời gian phát triển sẽ khác nhau như san hô gạc nai, san hô lỗ đỉnh để đạt chiều dài 10 - 15cm phải nuôi tầm 8-18 tháng, san hô bàn để đạt chiều dài từ 5 - 10 cm phải nuôi từ 1 - 3 năm... Hiện tại vườn ươm rộng khoảng 350m, trong đó nuôi khoảng hơn 1.000 nhánh san hô các loại
Theo ông Nguyễn Vũ, giám đốc điều hành Công ty Wonder World Nha Trang, tại Nha trang có hơn 350 loài san hô, hiện công ty đang phục hồi khoảng gần 50 loài san hô. Ngoài vườn ươm san hô tại Trí Nguyên, công ty còn được giao 28 ha tại Bãi Tiên - đây cũng là dự án đầu tiên được tỉnh Khánh Hòa và Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép thí điểm nuôi trồng san hô phục vụ bảo vệ đa dạng sinh học.
"Việc phục hồi san hô khá gian nan về vấn đề pháp lý như sở hữu mặt nước, thiếu chương trình cấy ghép, chăm sóc san hô. Ngoài ra san hô cũng chịu nhiều tác động từ môi trường như nhiệt độ nước biển tăng, ô nhiễm nguồn nước…", ông Vũ nói.
Theo ông Vũ phục hồi san hô là cả quá trình và sự góp sức của nhiều người, nhất là những người trẻ vì họ có tư duy thay đổi, dễ tiếp thu cái mới. Không nhất thiết cần đến trực tiếp từng rạn san hô để giải bài toán phục hồi, mà bất kỳ ai cũng có thể giúp san hô phát triển tốt thông qua những việc làm hằng ngày như hạn chế sử dụng điện, đồ nhựa… không vứt rác xuống biển.
Nguồn: https://tuoitre.vn/trong-san-ho-duoi-day-bien-nhung-tho-vuon-cua-dai-duong-20250201144023802.htm
Bình luận (0)