Cùng tham gia đoàn có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… Về phía tỉnh An Giang, có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư, cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn trao đổi tại buổi làm việc với đoàn công tác Chính phủ
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trao đổi tại buổi làm việc với Tập đoàn Lộc Trời
Tại buổi làm việc với Tập đoàn Lộc Trời, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh An Giang ủng hộ Lộc Trời tham gia vào Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, tạo chỗ dựa vững chắc cho ngành nông nghiệp An Giang, cũng như miền Tây Nam Bộ.
Đoàn công tác Chính phủ và tỉnh khảo sát vùng nghiên cứu lúa của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành
Mô hình ruộng lúa bờ hoa tại vùng nghiên cứu lúa của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành
Bộ trưởng gợi mở Tập đoàn Lộc Trời quan tâm xây dựng hệ sinh thái ngành lúa gạo, thay vì chỉ tập trung vào chuỗi giá trị hạt gạo. Trong đó, đầu tư nghiên cứu, tăng giá trị từ các phụ phẩm ngoài gạo, sau hạt gạo, như: Sử dụng rơm trồng cây, làm thủ công mỹ nghệ; khai thác giá trị của cám, vỏ trấu; phát triển hạt gạo thành dược liệu, đem lại những lợi ích cho sức khỏe…
Đồng thời, đề nghị Tập đoàn Lộc Trời liên kết chặt chẽ với nông dân, xây dựng những hội quán để lắng nghe nông dân, tạo không gian hợp tác, phát triển bền vững. Tập đoàn cần tích cực tham gia thành lập các hợp tác xã kiểu mới, xây dựng mỗi hợp tác xã một hệ sinh thái, từ đó tăng hiệu quả sản xuất – kinh doanh, nâng cao lợi nhuận cho thành viên tham gia, tạo động lực để nông dân, hợp tác xã gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Làm việc với đoàn công tác Chính phủ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới cho biết, năm 2022, doanh nghiệp xuất khẩu 110.000 tấn cá tra, lợi nhuận sau thuế 660 tỷ đồng, chỉ đạt 78% kế hoạch. Nam Việt đã đưa vào hoạt động nhà máy AMICOGEN, công suất 800.000 tấn thành phẩm Colagen, Gelatin mỗi năm. Năm 2023, Nam Việt đề ra chỉ tiêu xuất khẩu 130.000 tấn cá tra, giá trị xuất khẩu 215 triệu USD, lợi nhuận sau thuế 85 tỷ đồng. Công ty lập dự án xây dựng nhà máy SURIMI, công suất 24.000 tấn thành phẩm Surimi/năm, doanh số 40 triệu USD.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới trao đổi với đoàn công tác Chính phủ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư trao đổi tại buổi làm việc với Công ty Cổ phần Nam Việt
Ông Doãn Tới đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, tháo gỡ một số khó khăn cho doanh nghiệp về quy định tiêu chuẩn nước thải trong nuôi trồng, sản xuất thủy sản (cần đồng bộ, phù hợp thực tế), tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Đồng thời, kiến nghị Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ doanh nghiệp hoàn tất thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất nuôi trồng thủy sản đối với dự án 600ha nuôi trồng thủy sản của Nam Việt trên địa bàn huyện Châu Phú.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ với những khó khăn của Công ty Cổ phần Nam Việt trước biến động của thị trường thế giới, bối cảnh trong nước. Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp kiến nghị, tháo gỡ cho doanh nghiệp về tiêu chuẩn nước thải trong nuôi trồng, sản xuất thủy sản; hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang nuôi trồng thủy sản đối với 600ha dự án sản xuất cá giống và cá tra nguyên liệu công nghệ cao Nam Việt Bình Phú.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan lưu ý các doanh nghiệp cần bĩnh tĩnh ứng phó với biến động thị trường, tình hình địa chính trị, địa kinh tế thế giới. Trong đó, nghiên cứu thêm những mô hình mới phù hợp với xu hướng thị trường; tổ chức lại sản xuất – kinh doanh để thích ứng tốt hơn…