Xã hội phát triển không ngừng, việc tiếp xúc với Internet và công nghệ hiện đại đã khiến các thành viên trong gia đình ít có thời gian quan tâm và chăm sóc lẫn nhau. Thiếu sự gắn bó giữa phụ huynh và con cái khiến nhận thức tiêu cực của giới trẻ không được phát hiện và điều chỉnh kịp thời, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.
ThS-BS Phạm Văn Giào, Viện trưởng Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý – Giáo dục, cho biết vấn đề tâm lý học đường ở Việt Nam hiện đang rất căng thẳng và khủng hoảng. Điều này gây áp lực lớn cho nhà trường, các nhà chức trách và phụ huynh.
Theo số liệu trích xuất từ cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, tính từ đầu năm học 2022 – 2023 đến nay, toàn quốc xảy ra 27 vụ việc về bạo lực học đường liên quan đến 108 người.
Báo cáo của Bộ Y tế năm 2023 cho thấy ước tính có khoảng 3,2 triệu người Việt Nam mắc bệnh trầm cảm. Trong đó, nhóm tuổi từ 18 – 29 tuổi có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất (5,4%); tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới là (4,2%), cao hơn nam giới (2,1%).
Một nghiên cứu khác của Tổ chức dịch vụ dân số quốc tế (PSI) cho biết có trên 10% nữ giới Việt Nam chưa kết hôn (từ 15-24 tuổi) từng ít nhất một lần mang thai ngoài ý muốn. Hậu quả dẫn đến nhiều trường hợp phá thai, nghỉ học, trốn tránh gia đình, xa lánh xã hội, thiếu thốn tài chính,…
Tháng 6-2022, Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam công bố trung bình mỗi năm cả nước có gần 300.000 ca nạo phá thai, trong đó 70% là học sinh, sinh viên.
Một số khảo sát về giới tính học đường cho thấy gần 20% học sinh, sinh viên tự nhận mình thuộc giới LGBT (người đồng tính, song tính, chuyển giới)
ThS – BS Giào cho rằng có thể do học sinh, sinh viên có sở thích khác biệt với chuẩn mực 4 giới tính (đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính, chuyển giới) hoặc ảnh hưởng từ những nguồn thông tin không rõ nguồn gốc trên Internet. Tuy nhiên, về mặt sinh lý, điều này không hoàn toàn chính xác, có thể trẻ đang băn khoăn về giới tính của mình nếu không được giáo dục và hỗ trợ đúng cách.
Những con số trên để cho thấy công tác tham vấn tâm lý học đường rất quan trọng. Từ cuối năm 2017, công tác tham vấn đã được đề cập và tổ chức tại hầu hết các trường nhưng Phòng tư vấn tâm lý học đường lập ra chưa phát huy hiệu quả. Số lượng người làm công tác tham vấn học đường ở khu vực phía Nam tăng dần qua các năm, từ 0,34 người/trường năm 2013-2014 lên 1,09 người/trường ở thời điểm hiện nay.
“Mặc dù đã có sự gia tăng nhưng với số lượng học sinh hiện tại, số người làm công tác tham vấn/trường vẫn là quá ít” – ThS – BS Giào khẳng định.
Chuyên gia tâm lý cho rằng quá trình tham vấn tâm lý học đường không chỉ giúp các em có thể giải quyết tốt các vấn đề vướng mắc mà còn hỗ trợ cải thiện tốt các mối quan hệ với thầy cô, cha mẹ, bạn bè,… Tham vấn sẽ giúp cho học sinh, sinh viên mau chóng giải quyết các tình huống khó khăn trong học tập và cuộc sống. Đồng thời, các em cũng có được đời sống lành mạnh, thoải mái, giảm bớt các áp lực, căng thẳng để học tập và sinh hoạt vui vẻ, hiệu quả.
Nguồn: https://nld.com.vn/bat-ngo-ve-nhung-con-so-tam-ly-hoc-duong-196240805085719174.htm