Bảo quản thức ăn thừa để tránh tác động lên hệ tiêu hóa của người cao tuổi

Báo Nhân dânBáo Nhân dân01/02/2025

NDO - Người cao tuổi thường mắc các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, tiêu hóa…, vì vậy cần chú ý chế độ dinh dưỡng và bảo quản thức ăn thừa để tránh bệnh tái phát nặng trong ngày Tết. 


Bảo đảm sức khỏe cho người cao tuổi dịp Tết

Trong dịp Tết Nguyên đán, có nhiều vấn đề dinh dưỡng mà chúng ta nên chú ý cho người cao tuổi: Ăn uống đúng giờ, tuyệt đối không bỏ bữa; hạn chế các món chứa nhiều mỡ động vật và béo no như các món đồ nguội, chế biến sẵn: thịt đông, giò thủ, lạp xưởng, cũng như các món truyền thống như bánh chưng,…

Cần lưu ý người cao tuổi hạn chế ăn muối và các món ăn chứa nhiều muối như thịt heo ngâm nước mắm, bò ngâm nước tương, dưa muối, dưa món….; hạn chế các loại đồ ngọt như bánh, mứt, trái cây sấy khô…

Tránh việc cố ép những người cao tuổi uống rượu bia vì ảnh hưởng đến sức khỏe đặc biệt những người mắc các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, dạ dày…

Tránh ăn quá no dễ ảnh hưởng đến việc tiêu hóa, cũng như không nên kiêng khem quá mức mà mất vui trong những ngày Tết; tăng cường bổ sung rau để giúp việc tiêu hóa tốt hơn và tránh được táo bón; ưu tiên những thức ăn mềm, dễ nhai, dễ tiêu, ăn chậm, nhai kỹ.

Bảo đảm lượng nước nạp vào cơ thể khoảng 1,5-2 lít nước/ngày, bao gồm nước lọc, nước canh, nước trong trái cây…

Người già thường có thói quen tiết kiệm những thực phẩm dư thừa, ăn không hết trong dịp tết nên đem đi cất vào tủ lạnh, sau đó lại lấy ra hâm lại và ăn tiếp, thậm chí việc hâm đi hâm lại diễn ra nhiều lần không an toàn cho sức khỏe, dễ gây ngộ độc thực phẩm.

Bên cạnh đó, việc Listeria là loại vi khuẩn có thể phát triển trong nhiệt độ thấp. Chúng được tìm thấy trong các loại thịt cá xông khói, phô mai/sữa chua tiệt trùng, kem lạnh, pate, xúc xích và thịt nguội (chả, jambon…). Listeria là một trong những nguyên nhân gây bệnh phổ biến: rối loạn tiêu hóa, ói mửa, tiêu chảy, sốt…

Hệ miễn dịch của người cao tuổi thường yếu hơn người bình thường, vì thế nên lưu ý các vấn đề an toàn thực phẩm. Do đó, bác sĩ chuyên khoa I Đinh Trần Ngọc Mai, Khoa Dinh dưỡng-Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, thực phẩm khi cất tủ lạnh nên chia thành lượng vừa đủ 1 lần ăn, khi lấy ra nên đun nóng lại ngay và sử dụng.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng khuyến cáo, với người cao tuổi cần có kinh nghiệm chung khi nhập tiệc ngày Tết, đó là, không nên ăn quá no trong một bữa; gắp rau vào đĩa trước để tạo cảm giác no. Để kiểm soát khẩu phần ăn, mọi người cần dùng đĩa nhỏ và chọn món theo nhu cầu sức khỏe. Uống rượu, bia chừng mực, xen kẽ với nước lọc. Đi bộ nhẹ nhàng sau bữa tiệc để hỗ trợ tiêu hóa.

Những người bị mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp, tim mạch thì càng cần phải lưu ý hơn về chế độ ăn uống trong dịp lễ Tết này, việc ăn uống thoải mái quá mức các nhóm thực phẩm không lành mạnh có thể khiến bệnh trầm trọng hơn và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Do đó, cần tránh những bữa ăn lớn, chia nhỏ thành nhiều bữa gồm 3 bữa chính, 1-3 bữa phụ; nên ăn đều đặn và đúng giờ các bữa, không bỏ bữa ngay cả lúc bệnh nặng hoặc không muốn ăn; nên ăn chậm, nhai kỹ, không nên ăn quá no; lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết GI thấp

Không nên quá kiêng khem mà cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng: chất đạm, béo, bột đường, vitamin, muối khoáng, chất xơ…

Hạn chế ăn các thực phẩm nguồn gốc động vật có chứa nhiều cholesterol (thịt mỡ, mỡ, bơ, phủ tạng động vật...). Hạn chế dùng thức ăn chiên rán, vì nhiệt độ cao có thể phá hỏng acid béo không bão hòa.

Không nên ăn thực phẩm nhiều tinh bột vào bữa phụ 21 giờ. Bạn cũng có thể tự nấu riêng đồ ăn để không ảnh hưởng đến khẩu vị của cả gia đình. Hạn chế ăn mặn sẽ giúp bệnh tim mạch và huyết áp được cải thiện đáng kể.

Người bệnh mạn tính nên duy trì chế độ ăn nhạt, ít đường, ít béo, không chất kích thích, thay vào đó là ăn nhiều rau xanh và trái cây, uống nước lọc và duy trì tập luyện nhẹ nhàng ngay cả khi Tết đến xuân về để bảo đảm sức khỏe trong những ngày vui sum vầy.

Cách bảo quản thực phẩm dư thừa đúng cách trong dịp tết

Lưu ý đầu tiên là cần làm nguội nhanh các thực phẩm dễ hỏng như thịt, gia cầm, cá, trứng, đậu, không để chúng ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ.

Không cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh sẽ làm cho nhiệt độ tăng cao, ảnh hưởng đến sự bảo quản chất lượng an toàn thực phẩm vì chúng ảnh hưởng đến nhiệt độ của các thức ăn chung quanh.

Hãy chia nhỏ thức ăn vào các ô dự trữ vừa ăn 1 lần. Nếu cảm thấy đồ ăn dư nhiều và không thể sử dụng trong 3 ngày, bạn có thể chia ra nhiều hộp nhỏ và có thể lưu trữ được 1-2 tháng.

Thức ăn phải được đựng trong hộp có nắp hoặc bọc thực phẩm để bảo đảm mùi vị và chất lượng của thức ăn.

Khi hâm nóng thức ăn, hãy bảo đảm thức ăn thừa được đun sôi. Nếu hâm bằng lò vi sóng, nhớ trộn hoặc đảo thức ăn trong lúc hâm để nhiệt độ được phân bổ đều. Sau khi hết thời gian hâm, đừng lấy ra vội, hãy để chúng trong đó khoảng 3 phút rồi hãy lấy ra.



Nguồn: https://nhandan.vn/bao-quan-thuc-an-thua-de-tranh-tac-dong-len-he-tieu-hoa-cua-nguoi-cao-tuoi-post857463.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

Nhân vật

Tết Trong Mơ: Những nụ cười giữa 'xóm ve chai'
Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao
Hình ảnh tuyệt đẹp trên cánh đồng hoa cúc chi vào vụ thu hoạch
Giới trẻ xếp hàng từ 6h30, chờ 7 tiếng để chụp ảnh ở quán cà phê cổ trang

No videos available