TÔI THẤY MÌNH KHÔNG CÒN CÔ ĐƠN TRONG NGHIÊN CỨU VỀ RẮN
Phóng viên: Trong cuộc trò chuyện 6 năm trước, ông từng kể việc ông từng bị tai nạn rắn cắn, cũng như đồng nghiệp của ông trong quá trình đi thực địa cũng bị tai nạn đôi khi làm cho tâm trí bị nao núng. Ông thì sao?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo: Hoang mang và sợ hãi chứ. Nhất là khi lúc ấy còn rất trẻ. Trong quá trình nghiên cứu tôi cũng đã từng bị tai nạn bởi một loài rắn lục sừng. Lúc đó tôi phải tự động viên mình khi có biết được rằng độc tố của loài này không quá nguy hiểm và lượng độc tố vào cơ thể là không nhiều do chỉ bị sượt qua. Dù bình tĩnh sơ cứu, băng ép chặt lại, nhưng tôi nghĩ mình cần phải được đưa tới cơ sở y tế nhanh nhất có thể. Bình tĩnh một lần nữa, theo dõi các phản ứng của cơ thể, các chỉ số đều khá ổn khi đến cơ sở y tế thấy mình ổn và may mắn vì loài này cũng không có sẵn huyết thanh.
Đồng nghiệp của tôi cũng vậy, khi bị tai nạn rắn độc cắn là rất hoang mang. Tôi nhớ người chú là đồng nghiệp của tôi cùng đi nghiên cứu ngoài thực địa, khi không may bị rắn lục cườm cắn ở ngoài đảo tại Quảng Ninh. Cả đoàn lo lắng, nhưng tình thế khó khăn vì vào ban đêm, vào bờ phải mất mấy tiếng, sóng điện thoại thì phập phù. Lúc ấy, cùng với việc sơ cứu ban đầu thì liệu pháp tâm lý rất quan trọng, nếu mất bình tĩnh thì khó xử lý. Từ những kiến thức thực tế nghiên cứu, chúng tôi xác định độc tố của loài này cũng như vết cắn không quá nguy hiểm và trường hợp này cũng không có sẵn huyết thanh kháng nọc độc.
Phóng viên: 20 năm bám đuổi theo nghiệp này, ông có lúc nào thấy mình cô đơn?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo: Ban đầu thì có cô đơn chứ và bản thân cũng có đôi chút e sợ. Như bạn thấy đó, công việc này có vẻ hơi khác biệt và có thể là khá biệt lập, không có nhiều người hứng thú. Nhưng dần dần, tôi cảm thấy thú vị và đam mê hơn bởi khám phá những bí mật của loài rắn, cùng với đó cũng có những người quan tâm đến tìm hiểu về các loài rắn, thi thoảng tôi được mời chia sẻ những kiến thức về nhận dạng rắn độc hay các độc tố tự nhiên từ rắn độc…, nhờ đó tôi thấy mình có nhiều cảm hứng mới trong nghiên cứu. Và cũng nhờ sự truyền cảm hứng từ các nghiên cứu chuẩn chỉnh của các bậc tiền bối, nhất là người thầy bên Nga của mình, tôi càng có động lực trong công việc.
Một điểm quan trọng nữa, hiện nay có nhiều nhà báo quan tâm chia sẻ thông tin về các nghiên cứu về rắn như phát hiện và mô tả loài mới cho khoa học, các nghiên cứu ứng dụng nọc rắn…tới cộng đồng. Cùng với đó, việc phát triển đội ngũ nghiên cứu và hợp tác với các đồng nghiệp trong và ngoài nước làm chúng tôi không còn thấy cô đơn. Cộng đồng khoa học tuy nhỏ nhưng luôn kết nối giúp tôi có thêm động lực để tiếp tục con đường đầy thử thách này.
Phóng viên: 20 năm theo nghề, khối dữ liệu mà ông thu thập được đã thật sự đồ sộ?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo: Đến nay, cơ sở dữ liệu về các loài rắn độc và nọc độc rắn được nhóm nghiên cứu chúng tôi tiếp tục xây dựng một cách bài bản gồm nhiều trường dữ liệu phục vụ cho các nghiên cứu về đa dạng loài, phân bố, dịch tễ .. cũng như gợi ý để các bác sĩ trong lựa chọn các phác đồ điều trị. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhấn mạnh, những định hướng từ cơ sở dữ liệu này của chúng tôi chỉ chiếm 1%, còn 99% thành công cứu chữa các nạn nhân không may bị tai nạn rắn độc là do ở các bác sĩ điều trị trực tiếp.
Phóng viên: Ông có thấy mình có những bước tiến hay đột phá trong sự nghiệp nghiên cứu trong thời gian qua?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo: Trong hai năm đại dịch Covid-19, nhóm chúng tôi đã có nhiều thời gian trao đổi hơn, định hướng và đề xuất các ý tưởng phát triển nhóm nghiên cứu. Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để xây dựng cơ sở dữ liệu các loài rắn độc trên cạn. Đồng thời, chúng tôi đang đẩy mạnh nghiên cứu về độc tố nọc rắn, nhằm làm rõ hơn bản chất của các hợp chất này.
Ngoài ra, nhóm cũng phát triển các hợp tác nghiên cứu liên ngành để khám phá sự tiến hóa của độc tố nọc rắn, qua đó định hình các ý tưởng mới, hướng tới việc nghiên cứu cơ bản định hướng sang ứng dụng thực tiễn. Ví dụ, một trong những hướng nghiên cứu tiếp theo của chúng tôi sẽ tập trung vào việc phân tích các bài thuốc đông y từ tri thức bản địa, từ đó cung cấp cơ sở khoa học vững chắc hơn cho việc sử dụng các liệu pháp truyền thống.
Trong năm 2025, nhóm sẽ tiếp tục phát triển cơ sở dữ liệu về các loài rắn độc trên cạn, tập trung vào hơn 10 loài thường gặp. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ kết hợp với tri thức dân gian của cộng đồng bản địa để xây dựng các bài thuốc cứu người bị rắn cắn. Toàn bộ các hoạt động này đều hướng đến mục tiêu phi lợi nhuận, với hy vọng mang lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng.
Nguồn: https://nhandan.vn/pho-giao-su-tien-si-nguyen-thien-tao-va-hanh-trinh-20-nam-lam-ban-voi-ran-doc-post858288.html
Bình luận (0)