Tối muộn 9.1, phiên tòa xét xử 38 bị cáo trong vụ án liên quan đến Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và một số bộ ngành, địa phương, kết thúc phần tranh luận. Hội đồng xét xử cho các bị cáo nói lời sau cùng, trước khi vào nghị án kéo dài và tuyên án vào chiều 12.1 tới đây.
“Thật đau xót, không có gì biện minh”
Trước bục khai báo, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long gửi lời cảm ơn đến các cơ quan, đơn vị, cá nhân đã có đơn xin giảm án đối với mình.
Ông Long bày tỏ sự ân hận, nói rất đau khổ, xót xa trước những sai phạm đã gây ra. “Bị cáo có lỗi với gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và các nhân viên ngành y tế”, lời cựu bộ trưởng.
Ông Nguyễn Thanh Long bị đề nghị đến 20 năm tù vì nhận hối lộ 2,25 triệu USD của Việt Á
Bị cáo này cũng khẳng định, thời điểm xảy ra vụ án là giai đoạn rất khó khăn, cam go trong lịch sử ngành y tế. Bản thân bị cáo và đồng nghiệp luôn cố gắng để chống dịch, cứu người.
“Chưa một giây phút nào bị cáo được nghỉ ngơi, lúc nào cũng nghĩ phải giữ vững hệ thống y tế, cứu sống bệnh nhân”, ông Long nói, và mong hội đồng xét xử cho bản thân và các bị cáo từng là cấp dưới của mình được hưởng khoan hồng.
Người tiếp theo là cựu Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh. Bị cáo này cũng bày tỏ sự ăn năn, hối hận, gửi lời xin lỗi tới Tổng Bí thư, Đảng, Nhà nước và nhân dân, vì những sai phạm do mình gây ra.
Với tư cách là người từng đứng đầu tại Bộ KH-CN, ông Ngọc Anh xin hội đồng xét xử áp dụng các chính sách khoan hồng, để cho các bị cáo thuộc bộ này được hưởng mức án thấp nhất.
Còn với bản thân mình, cựu bộ trưởng cảm thấy “thật đau xót, không có gì biện minh”. Ông nói rằng, sai phạm thì phải bị trừng phạt, đã phải trả giá bằng 581 ngày day dứt khi bị tạm giam, thậm chí sẽ đeo bám bị cáo đến cả khi đã được trở về với xã hội. Vì thế, cựu bộ trưởng cũng mong muốn được xem xét khoan hồng.
“Bài học đau xót, đắt giá nhất”
Là một trong 3 cựu ủy viên T.Ư hầu tòa, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng nói “rất buồn đau, hối tiếc” khi vứt bỏ 34 năm luôn cố gắng rèn luyện. Ông đã nhận thức sâu sắc về sai phạm của mình khi chỉ đạo không đúng đường lối của Đảng, Nhà nước.
Cho rằng những sai phạm đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và tỉnh Hải Dương, ông Thăng nhận trách nhiệm về bản thân, coi đây là bài học đau xót, đắt giá nhất. Ông cũng mong hội đồng xét xử cho các bị cáo từng là nhân viên của mình ở Hải Dương hưởng khoan hồng.
Cuối lời nói sau cùng, ông gửi lời tới lãnh đạo các địa phương là “dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả cấp bách, thì cũng hãy thực hiện đúng pháp luật để không rơi vào sai phạm”. Ông cũng đề nghị cơ quan lập pháp có những sửa đổi về quy định pháp luật, tạo hành lang pháp lý để đáp ứng khi có các tình huống cấp bách xảy ra, để cán bộ có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
XEM NHANH 20H ngày 8.1: Mức án đề nghị 38 bị cáo vụ Việt Á
Một bị cáo khác là Phạm Công Tạc, cựu Thứ trưởng Bộ KH-CN. Ông Tạc nói đã nhận thức rõ sai phạm của bản thân, xin nhận hoàn toàn trách nhiệm.
Theo bị cáo, nghiên cứu kit test là đề tài hết sức đặc biệt, diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh. Ngay thời điểm triển khai, nhiều bất cập trong quản lý sở hữu trí tuệ thuộc tài sản Nhà nước.
Ông Tạc cho rằng, nếu đề tài thực hiện ở thời điểm hiện tại, có lẽ sai phạm đã không xảy ra, vì vừa rồi Quốc hội đã ban hành luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi.
Tổng giám đốc Việt Á: “Hãy biến nguy thành cơ”
Trước bục khai báo, Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt thừa nhận sai phạm, nói rằng mình là người điều hành mọi hoạt động tại công ty, các bị cáo khác chỉ là người làm công ăn lương, không làm không được, và không hưởng lợi ích gì.
Vì thế, bị cáo Việt xin nhận toàn bộ trách nhiệm về mình để giảm nhẹ cho các nhân viên công ty; đồng thời mong được hội đồng xét xử xem xét giữa đóng góp và sai phạm của bản thân khi lượng hình.
Đặc biệt, Việt gửi lời tới các bị cáo là nhân viên Công ty Việt Á hãy “an yên, nhẹ nhàng”, rằng “ở tù không ai muốn, nhưng nếu lỡ phải ngồi tù, hãy biến cái nguy không ai muốn thành cái cơ không ai có, để chuẩn bị hành trang sau này vẫn có thể cống hiến cho xã hội”.