Chăm sóc đàn vịt |
Ông Bùi Vĩnh Phú, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hồ vui vẻ giới thiệu, đồng thời dẫn chúng tôi đến ngôi nhà mới xây gần cuối thôn. Chiều đã muộn, trên cánh đồng trắng nước, đàn vịt 3.000 con gần đến ngày xuất bán, nối đuôi nhau bơi về chuồng. Anh Điệp cười vui vẻ: "Đây là vịt nuôi chạy đồng, ở Phú Hồ người dân thường gọi là vịt nước láng. Trên đồng nước mênh mông, đàn vịt lặn tìm ốc, rạm làm thức ăn chính. Người nuôi chỉ cho vịt ăn thêm lúa, bột… vào buổi sáng trước khi thả vịt và buổi chiều sau khi vịt trở về chuồng”. Anh cho biết thêm, thời gian trước, gia đình anh nuôi vịt sàn bằng cách đầu tư sàn trên hồ có diện tích 2.000m2. Vịt sàn nuôi gối vụ, cứ 1.500 con vịt giống, sau một tháng sẽ thả xuống đất. 1.500 con vịt giống khác lại tiếp tục “lên sàn”, cứ thế hết lứa này đến lứa khác đã giúp gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định.
“Vịt xuất bán, lời lãi bao nhiêu tùy vào từng thời điểm. Có lúc lãi ròng tầm 15-20 nghìn đồng/con; có thời điểm lãi từ 20-35 nghìn đồng. So với nuôi vịt nước láng (ít chi phí), nuôi vịt sàn phải đầu tư sàn và hồ. Tuy nhiên, mỗi năm tôi thả 2 tấn cá giống, thu lãi ròng từ cá cả trăm triệu đồng, vì chẳng cần phải tốn tiền mua thức ăn cho cá” - anh Điệp khoe. Hiện, sàn nuôi vịt cần được sửa chữa, anh Điệp đang xin phép địa phương cấp phép, sửa lại sàn để sắp tới tiếp tục phát triển sản xuất.
Không chỉ nuôi vịt, anh Điệp còn mở rộng thêm nhiều công việc liên quan một cách khoa học, hiệu quả. Anh Điệp từng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Huế. Chật vật mãi vẫn chưa xin được việc làm, nhận thấy người nông dân có gia trại, trang trại rất cần phòng dịch cho gia cầm, anh nhanh nhạy học lớp sơ cấp thú y, rồi sau đó tiếp tục học trung cấp thú y, phòng dịch để chữa bệnh cho gia cầm tại những gia trại trên địa bàn.
Là người có trách nhiệm, kinh nghiệm, có kỹ thuật tốt, giữ chữ tín trong công việc nên số lượng khách hàng của anh Điệp ngày càng nhiều, không chỉ trên địa bàn Phú Vang mà mở rộng đến huyện Phú Lộc, thị xã Hương Thủy... “Sau khi đã mở rộng số lượng khách hàng bền vững, tôi “lấn sân” lo đầu vào, đó là lấy vịt giống từ một công ty ở miền Bắc, rồi cung cấp cho hệ thống mấy chục gia trại trên địa bàn toàn thành phố.
Theo anh Điệp, trước đây các chủ gia trại đã từng trực tiếp mua vịt giống, nhưng có khi xảy ra rủi ro, phía cung cấp không chịu trách nhiệm. Vậy là anh Điệp đầu tư vốn, làm đại lý trung gian, mỗi chuyến hàng đều “găm” lại một phần tiền của bên cung cấp, coi như điều kiện đảm bảo chất lượng giống. Người nông dân cũng chỉ phải ứng trước một phần, thu hoạch xong mới thanh toán hết cho anh Điệp. Quyền lợi giữa ba bên được ràng buộc, cân bằng với nhau. Do đó, cả ba bên đều phải đảm bảo nâng cao chất lượng hàng hóa, con giống. Anh Điệp cũng luôn cố gắng nâng cao tay nghề, kỹ thuật nhằm đảm bảo đàn vịt luôn khỏe mạnh, phát triển tốt, chung tay, góp sức cùng người nuôi thu hồi vốn tốt và có lãi.
“Điều đáng quý là Điệp lúc nào cũng sắp xếp, đảm bảo quyền lợi nhiều nhất cho người chăn nuôi. Với mối quan hệ rộng rãi trong quá trình làm ăn, anh Điệp còn hỗ trợ đầu ra cho người sản xuất. Sự chịu khó, nhanh nhạy, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh của anh Điệp là động lực để nhiều nông dân trên địa bàn cố gắng nỗ lực học hỏi để phát triển kinh tế” - ông Bùi Vĩnh Phú chia sẻ.
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/nhanh-nhay-va-hieu-qua-150609.html
تعليق (0)