Trước tết, nhu cầu tiêu dùng tăng cao khiến các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh sản xuất, nhập hàng số lượng lớn để đáp ứng thị trường. Tuy nhiên, ngay sau kỳ nghỉ lễ, sức mua chững lại khiến hàng hóa tồn đọng nhiều, gây áp lực lớn lên tài chính, chi phí lưu kho và ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của nhiều DN trong những tháng đầu năm.
Thực phẩm, bánh, kẹo là những mặt hàng tồn kho lớn sau tết, gây áp lực cho các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ.
Theo thống kê từ Sở Công Thương Thanh Hóa, lượng hàng tồn kho của nhiều DN sau tết thường tăng từ 20 - 35% so với mức trung bình trong năm, đặc biệt là ở các mặt hàng như thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống, may mặc và vật liệu xây dựng. Một số DN sản xuất lớn tại Thanh Hóa đều phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh để giảm áp lực hàng tồn kho và đảm bảo cân đối cung cầu.
Nguyên nhân chính dẫn đến hàng tồn kho cao sau tết là sự chênh lệch giữa dự báo nhu cầu và thực tế tiêu dùng. Công ty CP Bánh kẹo Toàn Thành, đóng tại phường Quảng Đông (TP Thanh Hóa) trước tết đã gia tăng sản xuất hơn 40% để phục vụ nhu cầu biếu tặng và sử dụng trong dịp lễ. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ, sức mua giảm đột ngột, lượng hàng chưa tiêu thụ tại các đại lý vẫn còn lớn, buộc công ty phải áp dụng chương trình giảm giá mạnh từ 20 - 30% để kích cầu. Bên cạnh đó, công ty cũng tăng cường phân phối hàng tồn kho qua các kênh thương mại điện tử như Shopee, Lazada để tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn. Ông Nguyễn Thế Thắng, Giám đốc công ty chia sẻ: "Chúng tôi đã dự báo nhu cầu tiêu thụ dựa trên số liệu các năm trước và xu hướng thị trường, nhưng thực tế sau tết, sức mua giảm mạnh hơn dự kiến. Hiện tại, công ty đang triển khai nhiều biện pháp để đẩy nhanh lượng hàng tồn kho, bao gồm giảm giá sâu tại các đại lý, mở rộng kênh bán hàng trực tuyến và hợp tác với các hệ thống siêu thị để tăng độ phủ sản phẩm. Mục tiêu của chúng tôi là tiêu thụ ít nhất 70% lượng hàng tồn trong vòng một tháng sau tết để tránh ảnh hưởng đến dòng vốn và kế hoạch sản xuất tiếp theo".
Không chỉ ngành thực phẩm, lĩnh vực may mặc cũng bị ảnh hưởng. Công ty CP May xuất khẩu Trường Thắng (Nông Cống), chuyên sản xuất và xuất khẩu quần áo sang Nhật Bản và Hàn Quốc, ghi nhận lượng hàng tồn kho sau tết tăng 20% so với cùng kỳ năm trước do đối tác nước ngoài cắt giảm đơn hàng. Để ứng phó, công ty đã linh hoạt chuyển hướng sang thị trường nội địa, hợp tác với các siêu thị lớn để phân phối sản phẩm. Công ty đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tập trung vào các dòng sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước, như quần áo công sở, trang phục dạo phố và đồ mặc ở nhà. Công ty còn đầu tư cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa phân khúc giá, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận. Bên cạnh đó, các chương trình khuyến mãi cũng được triển khai nhằm đẩy nhanh lượng hàng tồn, giảm áp lực tồn kho và duy trì hoạt động kinh doanh.
Ngành vật liệu xây dựng cũng không nằm ngoài khó khăn chung. Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Trường Giang tại phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) đã đối mặt với tình trạng hàng tồn kho tăng hơn 25% so với trước tết do các công trình chưa khởi động lại ngay sau kỳ nghỉ. Để giải quyết tình trạng này, công ty đã chủ động liên hệ với các đại lý phân phối, đồng thời triển khai chính sách chiết khấu hấp dẫn cho các đơn hàng số lượng lớn nhằm giảm bớt lượng hàng tồn trong kho. Song song với đó, công ty cũng điều chỉnh kế hoạch sản xuất, giảm công suất hoạt động xuống 15% trong tháng đầu năm để tránh tình trạng dư thừa nguồn cung; tăng cường hợp tác với các nhà thầu xây dựng để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Trước thực trạng này, các DN tại Thanh Hóa đã áp dụng nhiều giải pháp để giảm thiểu hàng tồn kho và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Một số DN bán lẻ như hệ thống siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, Go! Thanh Hóa đã bắt đầu triển khai chương trình “Xả hàng tết - Giá sốc” nhằm đẩy nhanh hàng tồn, giúp thu hồi vốn và giảm áp lực kho bãi. Theo chị Lê Thị Dung, Giám đốc siêu thị Go! Thanh Hóa: "Chúng tôi đã chủ động điều chỉnh chiến lược bán hàng, tăng cường các chương trình khuyến mãi sâu để kích cầu tiêu dùng. Đồng thời, siêu thị cũng phối hợp với các nhà cung cấp để đưa ra mức giá ưu đãi, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm chất lượng với chi phí hợp lý. Ngoài việc giảm giá trực tiếp, siêu thị cũng áp dụng hình thức mua hàng tặng quà, chiết khấu trên hóa đơn, hoặc tích điểm thưởng nhằm khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn".
Một số DN khác tại Thanh Hóa còn áp dụng công nghệ vào quản lý hàng tồn kho để tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Chẳng hạn như Công ty CP Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa đã sử dụng phần mềm quản lý kho thông minh, giúp theo dõi chính xác số lượng, hạn sử dụng và vị trí hàng hóa trong kho. Nhờ đó, DN có thể nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch phân phối, giảm thiểu tình trạng dư thừa hoặc hàng hết hạn. Ngoài ra, công ty cũng tăng cường hợp tác với các nhà phân phối lớn tại khu vực miền Trung, mở rộng kênh bán hàng trực tuyến để tiếp cận nhiều khách hàng hơn.
Nhìn chung, bài toán hàng tồn kho sau tết vẫn luôn là một thách thức đối với các DN tại Thanh Hóa. Tuy nhiên, với những chiến lược quản lý linh hoạt, từ điều chỉnh sản lượng, tối ưu chuỗi cung ứng, đẩy mạnh khuyến mãi đến mở rộng thị trường, các DN hoàn toàn có thể giảm thiểu rủi ro, cân đối cung cầu và duy trì hoạt động kinh doanh ổn định trong những tháng đầu năm.
Bài và ảnh: Chi Phạm
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/hang-ton-kho-sau-tet-bai-toan-can-doi-cung-cau-cho-doanh-nghiep-238814.htm
تعليق (0)