Chậm ban hành văn bản hướng dẫn
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV sáng 23/10, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, trong đó kiến nghị được giải quyết đạt 99,5%.
Tuy nhiên, theo ông Dương Thanh Bình, việc gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri qua các đợt tiếp xúc định kỳ trước và sau Kỳ họp thứ 5 ở một số Đoàn đại biểu Quốc hội chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định và vẫn còn tình trạng kiến nghị ban hành hướng dẫn những nội dung đã được pháp luật quy định.
Điển hình, từ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đến nay, cử tri nhiều địa phương: Hải Phòng, Tuyên Quang, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Đắk Lắk… đã liên tục kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập để địa phương có cơ sở thực hiện.
Qua giám sát cho thấy, việc ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị định số 62 chậm nhất đến hết ngày 31/10/2020, các Bộ, ngành phải ban hành văn bản hướng dẫn vị trí việc làm đối với công chức nghiệp vụ chuyên ngành, định mức biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ chưa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện.
Liên quan đến việc ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị định số 106, chậm nhất đến hết ngày 30/6/2021, các Bộ, ngành phải ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý.
Song, vẫn còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính chưa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện.
Theo Trưởng Ban Dân nguyện, các Bộ, ngành chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 62 và Nghị định số 106 đã làm ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả việc hoàn thiện danh mục vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức, việc xác định biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị…
Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành nêu trên khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 62 và Nghị định số 106.
Trả lời về tăng lương tối thiểu thể hiện trách nhiệm
Theo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhìn chung, Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã chú trọng nghiên cứu, giải quyết kiến nghị cử tri, thể hiện tính cầu thị, tiếp thu khi thực hiện công tác quản lý, điều hành, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Một số Bộ, ngành đã trả lời tốt vấn đề cử tri nêu ra, thể hiện trách nhiệm cao trong việc giải quyết kiến nghị cử tri như trả lời của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội liên quan đến việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động hay trả lời của Bộ Nội vụ về tăng mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã…
Ban Dân nguyện kiến nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri.