Ngưng thở khi ngủ kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ mà còn tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như bệnh tim, huyết áp cao.
Ngưng thở khi ngủ là tình trạng hơi thở bị ngừng lại trong khi ngủ. Những lần gián đoạn giấc ngủ khiến khó ngủ ngon, mệt mỏi hơn vào ban ngày. Tình trạng này không được điều trị góp phần gây ra một số bệnh lý và nguy cơ sức khỏe lâu dài khác.
Huyết áp cao: Người ngưng thở khi ngủ thường xuyên thức dậy vào ban đêm, gây mất ngủ, căng thẳng kéo dài. Điều này ảnh hưởng đến nồng độ hormone, làm tăng huyết áp. Hơi thở tắc nghẽn trong lúc ngủ ảnh hưởng đến mức oxy trong máu và trầm trọng thêm huyết áp cao.
Đau tim: Người mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có nguy cơ đau tim, rung tâm nhĩ cao hơn. Nguyên nhân có thể do ngưng thở khi ngủ làm gián đoạn quá trình vận chuyển oxy, khiến não khó kiểm soát lượng máu chảy trong động mạch.
Suy tim: Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể gây tăng huyết áp phổi hoặc suy tim phải. Điều này xảy ra khi tâm thất phải không thể bơm đủ máu lên phổi. Vì vậy, lượng máu tích tụ trong tĩnh mạch và chất lỏng bị đẩy ngược vào mô, sưng tấy. Triệu chứng của suy tim phải là sưng ở bàn chân, mắt cá chân, cẳng chân. Suy tim phải có thể dẫn đến suy tim sung huyết.
Đột quỵ: Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể giảm lưu lượng máu, oxy đến các cơ quan, tăng nguy cơ mắc chứng đột quỵ do thiếu máu cục bộ, xảy ra khi mạch máu lên não bị tắc nghẽn. Tình trạng này còn gọi là hiện tượng đột quỵ khi ngủ.
Buồn ngủ ban ngày: Mệt mỏi, buồn ngủ sau một đêm ngủ không ngon giấc có thể là triệu chứng phổ biến của ngưng thở khi ngủ. Nó có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, mức năng lượng và chất lượng cuộc sống. Điều trị sớm có thể cải thiện tình trạng.
Bệnh tiểu đường type 2: Tỉnh giấc nhiều lần trong đêm ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ cũng như một số quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Thiếu ngủ có thể khiến insulin rối loạn, dẫn đến bệnh tiểu đường.
Tăng cân: Cân nặng tăng còn tăng nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ, cản trở quá trình giảm cân. Ở người mắc chứng ngưng thở, cơ thể tiết ra nhiều hormone ghrelin hơn, loại hormone làm tăng cơn thèm ăn tinh bột và đồ ngọt. Hơn nữa, mệt mỏi do thiếu ngủ có thể gây rối loạn quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, dẫn đến tăng cân.
Hội chứng chuyển hóa: Là một nhóm tình trạng sức khỏe có liên quan đến ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn như đường huyết cao, cholesterol cao, chất béo trung tính trong máu cao, huyết áp cao… Hội chứng chuyển hóa không điều trị có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường hoặc đột quỵ.
Sương mù não: Ngưng thở khi ngủ kéo dài có thể dẫn đến sương mù não. Đây là tình trạng mất tập trung, hay quên, phản ứng chậm và rối loạn trí nhớ.
Trầm cảm: Thiếu ngủ diễn ra trong thời gian dài dễ khiến một người trầm cảm. Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để được điều trị nhằm cải thiện tâm trạng và chất lượng giấc ngủ.
Bảo Bảo (Theo WebMD)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |