Cụ thể, giá dầu Brent tăng 1,2%, lên mức 78,44 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 0,9%, lên mức 72,02 USD/thùng.
Nhiều cuộc tấn công vào Dải Gaza đã diễn ra và căng thẳng ở Biển Đỏ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Lực lượng hải quân Mỹ và Anh đã bắn hạ 21 máy bay không người lái và tên lửa do lực lượng Houthi ở Yemen bắn về phía nam Biển Đỏ.
Bên cạnh đó, tại Trung Đông, Iran đã bắt giữ một tàu chở dầu thô của Iraq dự định đến Thổ Nhĩ Kỳ để trả đũa việc Mỹ tịch thu chính tàu này và dầu của Iran hồi năm ngoái.
Theo Reuters, Mỹ và Anh cho biết sẽ thực hiện các biện pháp mới nếu các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tiếp tục. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã thông qua nghị quyết yêu cầu chấm dứt các cuộc tấn công của Houthi.
Bên cạnh đó, giá dầu đi lên còn do đồng USD suy yếu. Đồng USD giảm sẽ khiến cho dầu trở nên rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Tuy nhiên, thị trường nhà ở của Mỹ đang dần phục hồi, việc này có khả năng làm giá nhà ở Mỹ tăng trở lại và gây áp lực lên lạm phát.
Lạm phát tăng có thể khiến thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất lùi xa hơn. Lãi suất duy trì với mức cao trong thời gian dài sẽ gây áp lực lên nền kinh tế và hạn chế nhu cầu dầu, từ đó ảnh hưởng tiêu cực lên giá dầu.
Trong nước, chiều qua, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính – Công Thương. Giá dầu hỏa tăng nhiều nhất, 374 đồng/lít; giá xăng RON 95-III tăng ít nhất, 19 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ trích lập Quỹ bình ổn đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg, không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel và dầu hỏa, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 12.1 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 21.041 đồng/lít; xăng RON 95-III không quá 21.935 đồng/lít; dầu diesel không quá 19.707 đồng/lít; dầu hỏa không quá 20.331 đồng/lít; dầu mazut không quá 15.815 đồng/kg.