Trung Quốc sắp sang kiểm tra vùng trồng dừa tươi xuất khẩu của Việt Nam Xuất khẩu dừa tươi: Kỳ vọng thu về tỷ USD |
Những lô dừa tươi đầu tiên đã chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc
Ngày 15/10, một xe hàng bảo quản lạnh, chở 2.700 quả dừa tươi Việt Nam, đã thông quan và nhập cảnh thuận lợi thông qua cửa khẩu Hà Khẩu ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), giáp với cửa khẩu Lào Cai (Việt Nam). Lô hàng dừa tươi này có tổng trọng lượng 21,6 tấn, trị giá 110.000 Nhân dân tệ (khoảng 15.000 USD), là lô hàng dừa tươi Việt Nam đầu tiên nhập khẩu bằng đường bộ vào Trung Quốc.
Nhân viên hải quan ở Hà Khẩu, Vân Nam, Trung Quốc kiểm tra lô dừa tươi nhập khẩu đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Chinanews |
Cũng trong ngày 15/10, một lô hàng dừa tươi Việt Nam, với trọng lượng 22,4 tấn, trị giá 98.000 Nhân dân tệ (khoảng 14.000 USD) đã được vận chuyển đến cửa khẩu Hữu Nghị Quan thuộc thành phố Bằng Tường, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, cũng đã thông quan vào thị trường Trung Quốc, sau khi được kiểm tra đạt yêu cầu. Đây là lần đầu tiên dừa tươi Việt Nam được thông quan qua cửa khẩu Quảng Tây vào Trung Quốc sau khi được cơ quan chức năng nước này cấp phép mở cửa thị trường từ tháng 8 vừa qua.
Các lô hàng dừa tươi Việt Nam đầu tiên xuất sang thị trường Trung Quốc đều có nguồn gốc từ Bến Tre. Đây là thành quả mới nhất của hai nước trong việc thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng nông sản chất lượng cao, đi sâu hợp tác thương mại, nhằm thực hiện tinh thần các Tuyên bố chung đạt được giữa hai bên thời gian qua.
Ông Cao Bá Đăng Khoa – Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam – cho biết, nhiều đơn vị lớn đã ký được hợp đồng xuất khẩu 30-50 container, thậm chí có doanh nghiệp ký đơn hàng cung ứng 1.500 container sang Trung Quốc. Đây là chỉ dấu tích cực cho tương lai ngành dừa Việt Nam tại thị trường tỷ dân này.
Năm ngoái, dừa tươi xuất sang thị trường Trung Quốc đạt 606.000 tấn, tăng 120% so với 2018, theo dữ liệu của Hiệp hội trái cây Trung Quốc. Hiệp hội Dừa Việt Nam dự kiến xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc đạt 250 triệu USD năm nay, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Vina T&T Group – cho biết thông qua các hội chợ xúc tiến nông sản gần đây, công ty nhận được nhiều đề nghị mua dừa tươi từ đối tác Trung Quốc. Hiện doanh nghiệp được cấp 6 mã vùng trồng và một cơ sở đóng gói, sẵn sàng xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường tỷ dân.
“Trái dừa Việt có khả năng cạnh tranh với hàng từ Thái Lan, nhờ vị ngọt thanh mát của giống dừa xiêm, vốn được ưa chuộng tại nhiều thị trường như EU, Mỹ, Canada và Hàn Quốc”, ông Nguyễn Đìn Tùng nhận định,
Dự báo giá trị xuất khẩu sẽ tăng mạnh
Việt Nam hiện có khoảng 200.000 ha dừa, đứng thứ 7 trong 93 quốc gia trên toàn cầu. Khoảng một phần ba diện tích trồng dừa của Việt Nam đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và châu Âu, chủ yếu tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long (Trà Vinh, Bến Tre). Điều này tạo lợi thế lớn cho xuất khẩu loại quả này.
Dừa đang trở thành một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân tại nhiều tỉnh, thành. Dừa cũng là một trong 6 loại cây được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào đề án và phê duyệt đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Hiện Việt Nam có 15 tỉnh trồng nhiều dừa với diện tích khoảng 200.000ha dừa, sản lượng đạt 2 triệu tấn.
Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong năm 2023, dừa tươi của Việt Nam xuất khẩu sang 15 nước trên thế giới với sản lượng 30.000 tấn và 320.000 tấn các sản phẩm chế biến từ dừa. Trong đó sản lượng dừa tươi xuất khẩu sang Trung Quốc tăng hơn 30% nhờ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tươi sạch, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao như dừa, tăng cao tại thị trường Trung Quốc.
Theo ông Cao Bá Đăng Khoa nói rằng ngành dừa tươi của Việt Nam mới phát triển mạnh vài năm gần đây nên chưa có sự chuẩn hóa về giống, quy trình trồng nên chưa ổn định về chất lượng, mẫu mã và giá bán. Hiện các doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị cho lô dừa tươi xuất khẩu đầu tiên sang Trung Quốc và giá dừa tươi chắc chắn sẽ cao hơn.
Còn theo ông Nguyễn Đình Tùng, trái dừa tươi Việt Nam hiện đã có công nghệ bảo quản tốt, có thể kéo dài thời gian bảo quản lên tới 70 ngày. Với thời gian bảo quản lâu như vậy, hoàn toàn có thể đưa trái dừa tươi Việt Nam đi lên phía Bắc Trung Quốc và các khu vực khác mà vẫn bảo đảm được chất lượng khi tới tay người tiêu dùng.
“Với mục tiêu đưa trái cây Việt Nam đi tới phía Bắc và khu vực Nội Mông của Trung Quốc, Vina T&T đang tập trung vào trái dừa tươi. Hiện Vina T&T đã ký được hợp đồng với 2 doanh nghiệp Trung Quốc, gồm một nhà phân phối và một doanh nghiệp logistics. Với những đối tác này, Vina T&T đang kỳ vọng có thể xuất khẩu những lô hàng dừa tươi sang thị trường Trung Quốc trong thời gian sớm nhất, thậm chí là có thể ngay trong tháng 10 này”, ông Nguyễn Đình Tùng nói.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tính đến tháng 8, xuất khẩu dừa tươi đạt hơn 100 triệu USD, tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Là mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao thứ 6 chỉ sau sầu riêng, thanh long, chuối, xoài, mít. Trong thời gian trên, dừa chế biến xuất khẩu được gần 152 triệu USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái là mặt hàng rau quả chế biến có giá trị cao nhất. Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo, trong các tháng cuối năm, khi các doanh nghiệp xuất khẩu được dừa tươi chính thức sang Trung Quốc thì giá trị xuất khẩu sẽ tăng vọt.
Nguồn: https://congthuong.vn/xuat-khau-dua-tuoi-du-bao-se-tang-manh-353395.html