Cụ thể, vào lúc 14h30, giá vàng nhẫn được Tập đoàn Doji niêm yết ở mức 60,5 – 61,65 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 300.000 đồng/lượng so với trưa và 500.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng nay.
Tương tự, giá vàng nhẫn được SJC niêm yết ở mức 60,3 – 61,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 400.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Như vậy, giá vàng nhẫn đã thiết lập kỷ lục về giá mới khi đạt ngưỡng 61,65 triệu đồng/lượng.
Thời gian gần đây, giá vàng nhẫn liên tục tăng mạnh. Ngày 8/11, giá sản phẩm này đã cao nhất lịch sử khi vượt 60 triệu đồng/lượng. Sau đó, kỷ lục này liên tục bị xô đổ cho đến hiện nay. So với đầu năm, giá vàng nhẫn tăng tới gần 7,2 triệu đồng/lượng.
Không chỉ giá vàng nhẫn, giá vàng miếng chiều nay vẫn tiếp tục xu hướng tăng.
Cụ thể, giá vàng tại Doji được niêm yết ở mức 71,2 – 72,3 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 300.000 đồng/lượng (mua vào) và 400.000 đồng/lượng (bán ra) so với đầu giờ sáng nay, tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với trưa nay.
Tương tự, giá vàng tại SJC được niêm yết ở mức 71,3 – 72,3 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 400.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với đầu giờ sáng nay và 200.000 đồng/lượng so với trưa nay.
Trước diễn biến tăng mạnh của giá vàng, nhiều chuyên gia cho biết, tâm lý của nhà đầu tư thường là vàng giảm sâu thì ít quan tâm nhưng khi vàng tăng mạnh lại rất để ý hoặc thậm chí xuống tiền mua để lướt sóng kiếm lời.
Dù vậy, nhà đầu tư cần thận trọng bởi hiện giá vàng SJC đang cao hơn rất nhiều so với vàng nhẫn, vàng trang sức và vàng thế giới.
Vì thế, người mua nên cân nhắc kỹ nếu mua vào vàng SJC lúc này, tránh trường hợp giá vàng đảo chiều giảm để thu hẹp biên độ với giá thế giới. Riêng vàng nhẫn 24K các loại thì biến động sát giá thế giới hơn, nên nếu mua vào có thể ưu tiên vàng nhẫn, vàng trang sức 24K hơn.
Ngọc Vy