Ukraine đã tiếp nhận loạt xe tăng hiện đại của phương Tây, nhưng có thể phải dùng chúng để phòng thủ mùa đông, chờ thời cơ phản công vào năm sau.
Gần hai năm sau khi chiến sự với Nga bùng phát, Ukraine đã sở hữu nhiều mẫu xe tăng chủ lực tiên tiến của phương Tây như Leopard 2 của Đức, Challenger 2 do Anh viện trợ và M1A1 Abrams được Mỹ chuyển giao. Tuy nhiên, số xe tăng này tới nay không thể trở thành “viên đạn bạc” giúp thay đổi cục diện chiến trường.
Một số chuyên gia phương Tây nhận định giờ Ukraine phải tính toán phương án tốt nhất để sử dụng số xe tăng phương Tây hạn chế của mình khi mùa đông đang đến, chiến dịch phản công lâm vào bế tắc và Nga gia tăng các đợt tiến công.
Trong chiến dịch phản công của Ukraine hồi mùa hè, xe tăng Leopard 2 và Challenger 2 từng được kỳ vọng là yếu tố làm thay đổi cục diện chiến trường.
“Các xe tăng phương Tây có chất lượng vượt trội so với những mẫu tốt nhất mà Nga đang sử dụng trong chiến sự với Ukraine”, Gian Gentile, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu Arroyo thuộc công ty tư vấn RAND tại Mỹ, cho biết. “Chúng có lớp bảo vệ tốt hơn với hệ thống phòng thủ chủ động và được có hệ thống kiểm soát hỏa lực, quang học cùng đạn dược tiên tiến”.
Tuy nhiên, các đơn vị Ukraine vận hành xe tăng phương Tây chịu tổn thất đáng kể trong giai đoạn đầu phản công, khiến Kiev phải hạn chế triển khai chúng ra tiền tuyến.
Gentile chỉ ra rằng nguyên nhân đầu tiên là các xe tăng phương Tây vấp phải hệ thống phòng thủ quá kiên cố của Nga, với các bãi mìn, chướng ngại vật dày đặc và hỏa lực pháo binh vượt trội, trong khi Ukraine không có lực lượng phòng không, không quân đủ mạnh để làm chủ bầu trời, yểm trợ hỏa lực cho xe tăng đột phá.
Nguyên nhân thứ hai là các xe tăng hiếm khi đối đầu trực tiếp trong chiến sự Nga – Ukraine. Điều này khiến các binh sĩ Ukraine không thể tận dụng lợi thế về hỏa lực chính xác của xe tăng phương Tây để đấu với xe tăng Nga.
Những thách thức này làm dấy lên mối lo ngại về cách vận hành tốt nhất số xe tăng phương Tây viện trợ, trong bối cảnh chiến dịch phản công đã rơi vào bế tắc và mùa đông đang đến, cùng với đó là nguy cơ Nga mở các đợt tấn công lớn sau giai đoạn co cụm phòng thủ.
Lực lượng Nga đang mở chiến dịch vây hãm thành trì Avdeevka của Ukraine và chuẩn bị cho các chiến dịch phản công tiềm tàng ở mặt trận miền đông, khi đà tiến của đối phương chững lại.
“Khi giao tranh lắng xuống, Nga có nhiều thời gian hơn để tiếp tục xây dựng, củng cố và mở rộng năng lực phòng thủ”, Seth Jones, giám đốc Dự án Các mối đe dọa xuyên quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, nhận định. Ông dự đoán Moskva sẽ sớm mở chiến dịch phản công, thậm chí là ngay trong mùa đông.
Chuyên gia này cho rằng đối mặt với đợt tấn công mới của Nga, Ukraine sẽ phải nghiên cứu cách tận dụng khoảng 300 chiếc xe tăng phương Tây mà họ đã tiếp nhận để củng cố năng lực phòng thủ.
Xe tăng phương Tây vốn được thiết kế cho chiến thuật tiến công xung kích, nhưng chúng cũng rất phù hợp khi được bố trí trong công sự để đóng vai trò là các “lô cốt di động” ngăn đà tiến của lực lượng Nga.
“Tôi cho rằng số xe tăng này sẽ hữu ích cho hoạt động phòng thủ”, Jones nói. “Lực lượng Nga sớm hay muộn sẽ tiến công trở lại và xe tăng phương Tây cùng một số tuyến phòng thủ mà Ukraine đang xây dựng sẽ hữu ích trong đẩy lùi bước tiến của Nga”.
Theo chuyên gia Gentile, việc giữ các xe tăng phương Tây trong công sự để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ cũng giúp Ukraine bảo tồn nguồn hỏa lực quý giá, tích lũy thêm lực lượng để phục vụ chiến dịch phản công có thể diễn ra vào năm sau.
Để làm được điều này, lực lượng Ukraine sẽ phải gây tổn thất tối đa cho Nga trong suốt mùa đông và đầu năm sau. Ukraine cũng sẽ phải tìm ra cách đối phó hiệu quả hơn với các loại UAV tự sát của Nga vốn đang được sử dụng ngày càng phổ biến để săn lùng xe tăng ẩn nấp sau công sự.
Một trở ngại khác trong kế hoạch này là làm thế nào để duy trì hoạt động cho xe tăng phương Tây trong cả mùa đông dài, khi chúng đòi hỏi chuỗi cung ứng và quy trình sửa chữa phức tạp, khác hoàn toàn với các xe tăng thời Liên Xô mà Ukraine sở hữu.
Ngoài ra, nhiều người đặt câu hỏi liệu phương Tây có viện trợ thêm xe tăng cho Ukraine hay không, trong bối cảnh Kiev đã quá phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí chuẩn NATO. Những bất đồng và rạn nứt trong khối đoàn kết của phương Tây về viện trợ quân sự cho Ukraine khiến nhiều người hoài nghi về khả năng Kiev có nguồn dự trữ để thay thế nếu bất cứ xe tăng hiện đại nào bị Nga phá hủy, chuyên gia Gentile cảnh báo.
Nguyễn Tiến (Theo Business Insider)