Ngoài việc ưu tiên học văn hóa, các em học sinh dân tộc thiểu số thuộc các trường của 2 huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì – Hà Giang còn được phát triển nhiều kỹ năng như: biết cách bảo vệ bản thân an toàn trên môi trường mạng, được giáo dục giới tính, tham vấn tâm lý…
Mang Trung thu đến cho học sinh dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai
|
Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật
|
Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên an toàn trên môi trường mạng
Theo xu hướng hiện đại, học sinh được tiếp cận sớm hơn với internet. Đây là cơ hội những cũng là thách thức cho nhà trường cũng như các thầy cô trong việc dạy trẻ an toàn trên không gian mạng.
Việt Nam có gần 78 triệu người dùng Internet, 70 triệu người dùng mạng xã hội và 161.6 triệu kết nối di động đang hoạt động (1/2023). Ngày càng có nhiều người, bao gồm cả thanh thiếu niên, sử dụng Internet để học tập, mua sắm, giải trí, giao tiếp, và tiếp cận các dịch vụ. Điều này đồng thời góp phần gia tăng rủi ro trực tuyến cho người sử dụng, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên phải đối mặt với bạo lực giới và xâm hại trên môi trường mạng. 91% trẻ em trai và trẻ em gái tham gia khảo sát có truy cập Internet nhưng chỉ 10% trong số đó có kiến thức và kỹ năng sử dụng Internet an toàn. Nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng thường trải qua một loạt các cảm xúc tiêu cực như: Sợ hãi (43,3%), xấu hổ (41,5%), mất tự tin (43%).
Trường PTDT bán trú THCS Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang đã sớm quan tâm và có nhiều hoạt động cụ thể để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ ngày càng nhiều trên không gian mạng. Nhà trường đã xây dựng sáng kiến truyền thông, chủ trì nhiều hoạt động hướng tới bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng.
Các em học sinh trường PTDT bán trú THCS Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang sôi nổi tham gia hoạt động truyền thông “Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên an toàn trên môi trường mạng”. |
Mới đây, nhà trường đã tổ chức hoạt động truyền thông “Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên an toàn trên môi trường mạng”. Kết quả chung cuộc, các em học sinh lớp 6A đoạt giải Nhất, giải Nhì thuộc về lớp 7A, lớp 6C đoạt giải Ba, lớp 8B đoạt giải Khuyến Khích.
Thầy Nguyễn Hồng Lương, hiệu trưởng trường PTDT bán trú THCS Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang chia sẻ: Dự án An toàn trên không gian mạng được triển khai cho các em học sinh THCS được thực hiện qua nhiều hoạt động truyền thông, các buổi thực hành trên máy tính, các tiết học tin học… giúp các em thay đổi cách tiếp cận internet và đảm bảo an toàn cho cá nhân.
Tham gia sự kiện, em Giàng Thị Chuyên học sinh lớp 9 cho biết: Khi có dự án An ninh mạng em đã tham gia tích cực và có nhiều hoạt động để phổ biến kiến thức cho các bạn dễ hiểu. Chúng em vẽ tranh về tác hại, rủi ro thường gặp trên môi trường mạng, làm các cây thông tin để tuyên truyền, phổ biến cho các bạn và cho cả bố mẹ nữa. Những hoạt động này thường được các thầy cô đưa vào các tiết sinh hoạt ngày thứ 7, những buổi Tết thiếu nhi, các cuộc thi để tuyên truyền cho các bạn. Sau khi tham gia dự án em biết nhiều kiến thức và biết các phòng tránh hơn. Cụ thể, khi tham gia mạng xã hội em biết và phòng tránh những rủi ro không đáng có”.
Xây dựng phòng tham vấn giải quyết các vấn đề tâm lý học đường
Phòng Tham vấn tâm lý học đường Trường PTDTBT TH&THCS Tả Nhìu, huyện Xín Mần là mô hình mới được xây dựng. Đặc biệt nơi đây được các em học sinh chào đón với vô vàn những khúc mắc không biết ngỏ cùng ai. Nhà trường có tư vấn viên, hộp thư tư vấn học đường và phân công người trực 24/7 để học sinh có thể đến bất cứ lúc nào.
Phòng Tham vấn tâm lý học đường Trường PTDTBT TH&THCS Tả Nhìu, huyện Xín Mần. |
Em Lèn Thị Nhung, Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Tả Nhìu, bày tỏ: Khi em gặp khó khăn với các vấn đề gia đình và xã hội hoặc nhà trường, em thường tìm đến phòng tham vấn để tìm sự giúp đỡ. Cụ thể như những vấn đề của tuổi dậy thì và những khó khăn trong học tập em đều được các cô giải đáp rất nhiệt tình.
Các em học sinh tìm đến phòng tư vấn tâm lý học đường mỗi khi gặp khó khăn trong học tập, cuộc sống. |
Cô Đặng Thị Phận là giáo viên môn Vật lý kiêm nghiệm tư vấn viên phòng tham vấn tâm lý học đường. Cô Phận cho biết vì yêu trẻ nên hiểu tâm lý học sinh lứa tuổi trung học cơ sở có rất nhiều thay đổi, các em nhạy cảm hơn, cũng dễ tổn thương nên chị đã xin tham gia để học hỏi và giúp đỡ các em. Cô đã tư vấn về sức khỏe sinh sản cho các em trong độ tuổi dậy thì, dạy các em cách tự chăm sóc bản thân, vệ sinh cá nhân, các vấn đề tâm lý, hướng nghiệp… Theo cô đây là những kĩ năng thực sự cần thiết nhất là ở thời điểm các em bước vào lứa tuổi dậy thì, nhiều thay đổi trong tâm sinh lý.
Tại trường học các em học sinh dân tộc thiểu số được nâng cao kiến thức và kỹ năng biết cách bảo vệ bản thân trên môi trường mạng. |
Từ phòng học đặc biệt này các em học sinh đã được gỡ rối về tâm sinh lý, ngăn chặn được nhiều nguy cơ học sinh bỏ học do tảo hôn hay giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong học đường…
Hoạt động truyền thông lồng ghép hiệu quả kết hợp cùng xây dựng phòng tham vấn tâm lý học đường là những mô hình điển hình góp phần quan trọng giúp các em học sinh dân tộc thiểu số nơi vùng cao biên giới được phát triển toàn diện.
Dự án Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên an toàn trên môi trường mạng được thiết kế nhằm đồng hành chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” được phê duyệt tại Quyết định 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chương trình “Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” của tổ chức Plan International Việt Nam (2020-2025). Dự án hướng đến hỗ trợ thanh thiếu niên từ 10-18 tuổi, đặc biệt là trẻ em gái và nhóm trẻ dễ bị tổn thương nhất, sử dụng Internet và mạng xã hội một cách an toàn và được bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực giới trên môi trường mạng. |
Bình Thuận: Phát động cuộc thi “Lắng nghe con nói” Mới đây, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bình Thuận vừa phát động cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lần thứ nhất với tên gọi “Lắng nghe con nói”. |
Nước sạch đến với trẻ em dân tộc thiểu số Lai Châu Chương trình Nước sạch của VinaCapital Foundation lắp đặt một giếng khoan và hệ thống bơm cung cấp nước sạch cho học sinh, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mù Sang, huyện Phong Thổ, đồng thời tài trợ chi phí bảo trì hệ thống, chi phí thay thế linh kiện trong 1 năm. |