Hơn một thập kỷ gắn bó với vùng cao Lào Cai, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã giúp cải thiện chất lượng sống của hàng chục ngàn trẻ em và gia đình. Những bước tiến trong giáo dục và y tế mà tổ chức mang lại đã và đang dần tạo nên sự đổi thay bền vững cho con người nơi đây.
Hạt giống tri thức nảy mầm từ Trại đọc
“Đã gần 20 năm kể từ ngày bắt đầu kỳ nghỉ hè sau lớp 9, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh của chính mình – cô bé người Nùng buồn bã ôm cặp sách rời khỏi mái trường, biết rằng đó là ngày cuối cùng mình được đi học. Giã từ trường lớp, tôi vẫn loay hoay quanh đồi chè, đồi chuối và mênh mông những thửa ruộng bậc thang. Thế nhưng năm 2014, một cánh cửa mới mở ra với tôi khi được đồng hành với Tổ chức Cứu trợ Trẻ em thu hẹp khoảng cách trong giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số.”
Đó là chia sẻ của chị Lù Thị Hoa, cộng tác viên cộng đồng thực hiện hoạt động Trại đọc thuộc Chương trình phát triển cộng đồng lấy trẻ em làm trọng tâm tại Lào Cai do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) thực hiện. Đồng bào người Nùng ở Lào Cai hiếm ai biết tiếng Kinh nên chị Hoa là cầu nối giúp truyền đạt thông tin bằng tiếng Nùng đến bà con.
Tham gia hoạt động Trại đọc, chị được Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cầm tay chỉ việc tận tình cách điều hành buổi sinh hoạt cho trẻ tiểu học giúp các em làm quen sớm với việc đọc, viết. Chị cũng được hướng dẫn cách sinh hoạt Câu lạc bộ cho cha mẹ để họ biết cách cùng con học đọc, học viết, làm Toán tại nhà. Thời gian đầu, bà con còn ngại ngần, bối rối, chị phải đến từng nhà động viên, truyền đạt cho đồng bào hiểu tầm quan trọng của cái chữ, khuyến khích con em đi học, mở mang kiến thức. Dần dần, nhiều phụ huynh bắt đầu hiểu, chịu khó thực hành và nhận thấy rằng cả gia đình ngày càng gắn bó, vui vẻ hơn nhờ những kiến thức mới mẻ.
“Ở Trại đọc, lũ trẻ được nghe tôi kể chuyện tương tác, vẽ tranh, viết nhật ký, chơi trò chơi, đứa nào cũng hào hứng. Tôi hạnh phúc khi kết thúc mỗi buổi sinh hoạt, các em lại rủ nhau mượn sách ở Trại đọc mang về nhà. Tụi nhỏ bảo nhau: Tớ mượn sách về đọc để tập kể chuyện được hay như cô Hoa”, chị Hoa kể.
Một buổi sinh hoạt Trại đọc do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em hỗ trợ thực hiện. |
10 năm đồng hành cùng Dự án, chị Hoa nhiều lần được Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tuyên dương, được UBND xã Nấm Lư (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) tặng bằng khen vì những đóng góp cho làng bản. Chị cho biết: “Những em bé nhỏ xíu ngày đó từng ríu rít ở Trại đọc của tôi nay đã khôn lớn, thạo đọc, thạo viết tiếng Việt và đi học trường huyện. Chính sự trưởng thành của các em là động lực lớn nhất để tôi tiếp tục cống hiến cho làng bản, cho tương lai của những đứa trẻ nơi vùng cao hẻo lánh này”.
10 năm kiến tạo tương lai bền vững
Câu chuyện của chị Lù Thị Hoa là minh chứng sống động cho những tác động tích cực mà Tổ chức Cứu trợ Trẻ em mang lại, đặc biệt là “Chương trình Phát triển Cộng đồng lấy trẻ em làm trọng tâm tại Lào Cai”. Khởi đầu từ năm 2013, Chương trình phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cùng các đối tác, nhằm đảm bảo trẻ em lớn lên khỏe mạnh, được học tập và phát triển toàn diện. Đồng thời, chương trình hỗ trợ phụ huynh và giáo viên nâng cao kỹ năng giáo dục, chăm sóc trẻ, tạo nền tảng phát triển bền vững.
Ngày 26/11 tại tỉnh Lào Cai, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam phối hợp cùng Ban Quản lý Dự án tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị tổng kết “Chương trình Phát triển Cộng đồng lấy trẻ em làm trọng tâm tại Lào Cai” giai đoạn 2019-2024. Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai, các Sở, ban ngành trong tỉnh như Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ, cùng cán bộ quản lý và giáo viên từ 182 trường thuộc dự án và đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em.
Hội nghị tổng kết “Chương trình Phát triển Cộng đồng lấy trẻ em làm trọng tâm tại Lào Cai” giai đoạn 2019-2024. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Theo báo cáo tại Hội nghị, tính đến năm 2024, dự án đã hỗ trợ hơn 94.000 trẻ em tại 5 huyện của tỉnh Lào Cai gồm Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Mường Khương và Văn Bàn. Dự án đã đạt được nhiều thành tựu, nổi bật là nâng cao tính sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non từ 29% lên 63%; cải thiện kĩ năng đọc hiểu của học sinh tiểu học từ 26% lên 50%; nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản từ 6% lên 66%.
Bên cạnh đó, dự án đã xây dựng 238 công trình nước sạch và vệ sinh, cung cấp định hướng nghề nghiệp cho 13.000 học sinh. Hơn 6.000 giáo viên và 53.000 phụ huynh đã được nâng cao năng lực, góp phần cải thiện chất lượng y tế, giáo dục và đời sống cộng đồng.
Phát biểu tại hội nghị, bà Dương Thị Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, Trưởng Ban Quản lý dự án tỉnh Lào Cai cho biết, Hội nghị nhằm đánh giá kết quả và tác động của dự án trong giai đoạn 2019-2024, chia sẻ các mô hình thành công và bài học kinh nghiệm, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai cho giai đoạn 2025-2027. Sự kiện cũng hướng đến việc đảm bảo tính bền vững, tiếp tục mang lại lợi ích thiết thực cho trẻ em và cộng đồng tại Lào Cai.
Bà Lê Thị Thanh Hương, Trưởng đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Theo bà Lê Thị Thanh Hương, Trưởng đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam, Chương trình phát triển cộng đồng lấy trẻ em làm trọng tâm tại Lào Cai là dự án dài hạn với nguồn tài trợ lớn nhất của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam. Sau hơn 10 năm triển khai, chương trình đã mở rộng từ 2 xã lên 48 xã, mang lại những thay đổi đáng kể cho hàng ngàn trẻ em và cộng đồng. Các mô hình can thiệp của chương trình đã được nhân rộng và đưa vào kế hoạch chung của tỉnh, trở thành một phần trong các hoạt động thường xuyên.
“Chúng tôi tự hào tin tưởng rằng những can thiệp này sẽ tiếp tục mang lại lợi ích bền vững cho trẻ em và cộng đồng tại Lào Cai. Sự kiện là dấu mốc quan trọng trong hành trình nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, và bảo vệ trẻ em tại Lào Cai, đồng thời khẳng định vai trò của sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên để đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi trẻ em”, bà Lê Thị Thanh Hương nói.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/to-chuc-cuu-tro-tre-em-va-hanh-trinh-10-nam-chung-tay-thay-doi-cuoc-song-tre-em-lao-cai-207763.html